Friday, November 7, 2014

HOÀI NIỆM


Đồng hồ trong Khu chờ đợi tại Phi Trường Tân Sơn Nhứt vừa chỉ đúng 8 giờ 30.
Còn một giờ nữa thì chuyến bay Sàigòn - Đalạt mới cất cánh.

Khu đường bay Quốc Nội của Phi Trường Tân Sơn Nhứt hôm ấy quá đông người. Tiếng máy phóng thanh lưu ý hành khách đi khắp nơi, hòa lẫn tiếng ồn ào của những người đưa tiễn thân nhân làm huyên náo cả khu vực, giống như cảnh chợ phiên nhóm họp vào buổi sáng. Tôi ra khỏi Khu Chờ đợi, đi chậm rải trong khoảng sân rộng trước cửa Phi Trường, bỗng nghe có ai đó gọi.
-         Khoa .. Đăng Khoa…
Tôi nhìn quanh khắp nơi chẳng thấy ai quen. Từ bên kia Câu Lạc Bộ phi trường, một Nữ Tiếp Viên Hàng Không (Hortesse de l’air) trong chiếc áo màu xanh da trời đang vẫy tay gọi tôi. Dù chưa biết là ai, nhưng vì nóng lòng muốn tìm biết người gọi mình, nên đi thật nhanh về hướng Câu Lạc Bộ. Vừa đến nơi, tôi đã nhận ra là chị Khánh Hoàng đang đứng trước quầy trả tiền. Tôi rất đổi ngạc nhiên không ngờ gặp chị nơi này.
-         Kìa Chị Hoàng !
Tiếng động cơ máy bay quá ồn, sợ tôi nghe không rõ. Chị nói lớn tiếng .
-         Khánh Vân đang ở nhà . Số …. Đường Trần Bình Trọng …… Quận ……Sàigòn
Em ghi rõ địa chỉ, Chị phải đi bay ngay bây giờ, không còn thì giờ nữa.
Nói dứt lời, chị đi thật nhanh về hướng Phi Trường, mặc cho tôi ngẫn ngơ nhìn chị, một Nữ tiếp viên Hàng không duyên dáng, thước tha với tà áo màu thiên thanh phất phơ trong nắng sớm, rồi hình bóng chị cũng khuất sau cánh cửa phòng dành riêng cho các Phi Hành đoàn trước giờ bay.

Chị Khánh Hoàng đến với tôi không mấy chốc lại đi, nhưng đã gợi lại trong tôi không biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, của thời học sinh tại Thành Phố hoa mộng năm xưa, nhất là vào năm cuối của bậc Trung học Đệ Nhị cấp.
Thuở ấy làm sao tôi quên được hình bóng một nữ sinh, với vẽ đẹp tự nhiên không chải chuốt, nàng có đôi mắt bồ câu long lanh, cặp mi cong, đôi lông mày đen dài, môi đỏ đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú, má lúm đồng tiền duyên dáng khi cười, nước da trắng ngần làm tăng thêm nhan sắc của một thiếu nữ miền Nam, khiến cho không ít nam sinh trong lứa tuổi của tôi thời bấy giờ đem lòng mơ tưởng.

Người nữ sinh ấy chính là Khánh Vân, em gái chị Khánh Hoàng mà tôi may mắn được học chung cùng năm Đệ Nhất với nàng. Thật lòng mà nói, tôi chẳng có đặc điểm nào khả dĩ gây được sự chú ý cho phái nữ, ngoại trừ có sức học tương đối khá và ngoại hình cũng dễ nhìn. Vì vậy mỗi lần được gọi lên bảng để giải những bài toán khó, Khánh Vân thường triều mến nhìn tôi bằng đôi
mắt thán phục. Từ đó, tôi và Khánh Vân thân nhau trong tình học trò, rồi dần dần tình yêu nẩy nở lúc nào không hay. Đang miên man với những kỷ niệm xưa, thì loa phóng thanh từ Phi trường lại vang lên, đưa tôi về với thực tại.

      -    Chuyến bay Đà Lạt số …. sắp khởi hành, mời hành khách ra cổng lên tàu.
Tôi chậm rải đi theo dòng người ra cổng chính, để đến phi cơ đang chờ trên phi đạo, mà đầu óc cứ mãi suy nghĩ vẩn vơ.

Sau một giờ bay, chiếc phi cơ DC4 của Hàng Không Việt Nam đáp xuống phi trường Liên Khương dưới bầu trời đang đổ cơn mưa nhẹ, tôi cảm thấy lòng buồn vô hạn. Chiếc xe CAR của Air Việt Nam đưa tôi đến Thành Phố Đà Lạt lúc cơn mưa cũng vừa dứt.
Để kịp chuyến xe chiều đi Bảo Lộc, tôi nhanh chân đến bến xe, tiếp nối đoạn đường cuối cùng đến Thị Xã Bảo Lộc, nơi tôi phải trình dịện Đơn vị đầu tiên trong đời quân ngũ.

Chiếc Peugeot familiale bắt đầu đồ xuống đèo Prenn, rừng thông hai bên đường, như chạy theo vẫy chào réo gọi tôi, người vừa mới trở lại Thành Phố thơ mộng này sau bao năm xa cách. Trong khoảnh khắc đó, tôi bỗng nhớ lại cách đây gần thập niên về trước, cũng tại nơi ngọn đèo Prenn này, trong lần du ngoạn đến viếng các ngọn thác hùng vĩ của Tỉnh Tuyên Đức như Pongour, Gougah … do nhà trường tổ chức. Sau khi cuộc du ngoạn chấm dứt, trên đường về chiếc xe buýt của chúng tôi bị nổ bánh giữa lưng đèo lúc mặt trời sắp ngã bóng.

Tất cả chúng tôi phải xuống xe cuốc bộ tuy có mệt, nhưng riêng tôi thì rất vui, vì có dịp được đi chung thật lâu, trên quảng đường dài với Khánh Vân và chị Khánh Hoàng, Lúc đó chị Hoàng đang học Trường Pháp “ Couvent des Oiseaux “ cũng đi với chúng tôi trong chuyến du ngoạn lý thú này. Đi được một khoảng, thì bất ngờ chị lùi về phía sau, như cố ý để tôi và Khánh Vân nói chuyện với nhau được tự do. Thật ra, ngoài ánh mắt và nụ cười trao nhau suốt lộ trình, Khánh Vân và tôi chẳng ai nói điều gì khác, ngoài chuyện sách vở đang học ở trường để chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm sắp tới.



Mùa thi rồi cũng đi qua, và mùa hè cũng đang đến. Vào một buổi chiều dịu nắng, tôi từ nhà Nhà sách “ Thiên Nhiên “ trên đường trở về nhà, khi gần đến nhà Khánh Vân bỗng có tiếng gọi lớn.
-         Khoa….Khoa... Đăng Khoa.
Vì con đường về nhà tôi, cũng cùng đường ngang qua nhà Khánh Vân. Nghe biết tiếng Khánh Vân gọi tôi đứng lại, thì nàng cũng vừa đến.
Tôi hỏi đùa, hôm nay có việc gì mà gọi người ta bất ngờ vậy. Khánh Vân trả lời với nét mặt không vui.     
-         Có chuyện quan trọng, nên cả buổi chiều Vân chờ Khoa đi ngang qua đây để báo tin.
-         Sao Vân biết tôi về lúc nào mà chờ đợi, tin quan trọng gì vậy.
Khánh Vân không trả lời ngay câu hỏi của tôi, nàng nhìn xuống đất với nét mặt u buồn chậm rải nói thật nhỏ.
-         Vài ngày nữa Vân phải theo gia đình về lại Sàigòn. Khoa có buồn không.
Tôi choáng váng, thấy cả bầu trời như sụp đổ trước tin sét đánh đó, chưa biết trả lời sao thì nàng đặt vào tay tôi một mãnh giấy và bảo tôi mở ra đọc ngay. Mãnh giấy viết nghệch ngoặc vội vàng chỉ vỏn vẹn có 5 chữ bằng bút đỏ.
“ Khoa hãy quên Vân đi “.
Sự việc đến với tôi quá bất ngờ, còn gì đau đớn cho bằng, khi người mình từng yêu mến lại sắp bỏ ra đi. Tôi cố giử bình tỉnh hỏi tiếp.
-         Chừng nào thì gia đình đi.
-         Hai ngày nữa. Sau câu trả lời, Vân nhìn gương mặt buồn bả của tôi và lắc đầu như nuối
tiếc cho mối tình vừa chớm nở lại phải rời xa.
Thời gian lúc này đối với tôi, như tính từng giờ từng phút.  Hai ngày nữa, nghĩa là chỉ còn 48 giờ, Khánh Vân sẽ mãi mãi rời xa thành phố này. Nghĩ như vậy, tôi không còn ngại ngùng gì nữa, lần đầu tiên cầm lấy tay nàng. Khánh Vân cũng để yên, và chờ phản ứng của tôi .
Cố nén niềm đau, tôi lấy lại bình tỉnh chậm rải hỏi.
-         Mình có nên gặp nhau lần cuối trước khi chia tay không .
Khánh Vân nhìn tôi thật lâu nàng gật đầu.
-         Khoa muốn Vân gặp lúc nào, tại đâu.
-    3 giờ chiều mai tại chỗ cũ.

Tôi đến nơi hẹn ngồi chờ Khánh Vân không lâu, thì nàng cũng vừa đến đúng giờ. Gặp tôi, nàng quay mặt nhìn xa vắng, không còn nụ cười tươi trên môi như mỗi lần gặp nhau trước đây. Tôi trải tờ giấy báo trên thảm cỏ để nàng ngồi, và lần đầu tiên tôi ngồi sát bên nàng, để tận hưởng hương thơm của mái tóc. Cả hai đều yên lặng nhìn ra Hồ Xuân Hương, mặt hồ tỉnh lặng. Từng cơn gió thoảng tạo thành những đợt sóng nhỏ lăn tăn, chạy xô nhau trên mặt nước. Không gian cũng yên lặng một cách lạ thường, chỉ nghe tiếng chim ríu rít gọi nhau về tổ, trước khi trời chiều buông xuống. Để đánh tan bầu không khí yên tĩnh lúc bấy giờ, tôi ngập ngừng lên tiếng.
-         Khánh Vân về Sàigòn, bao giờ trở lại.
Khánh Vân ngước mặt nhìn tôi với đôi mắt u buồn, nàng nói rất nhỏ như không muốn tôi nghe.
-         Vân không biết . . . Tôi hỏi tiếp.
-         Về Sàigòn, gia đình Vân ở đâu.
-         Vân cũng chưa biết, có thể ở Thị Nghè bên Gia Định, hoặc là Chợ Lớn tùy nơi Ba của
Vân làm việc.
-         Biết đến khi nào Khoa mới gặp lại Vân đây. Người đi có biết người ở lại buồn đến mức
độ nào không. 
Sau lời nói này, Khánh Vân nhìn tôi rươm rướm nước mắt rồi nàng gượng nói với tôi bằng câu nói không thật lòng.
-         Khoa hãy quên Vân đi, thời gian sẽ ….. Chưa nói hết câu, nàng lấy khăn chậm nước mắt.
Tôi cảm thấy tim mình đau nhói, mọi vật chung quanh như đảo lộn giữa vùng trời đen tối .
Còn gì nữa đâu, bao nhiêu mộng ước mai sau, nay tan tành theo mây khói. Tôi muốn gào lên thật to.
     - Ôi nhân thế ! Sao lắm điều cay đắng.


Rồi việc gì đến sẽ phải đến. Hôm sau, trước cửa nhà Khánh Vân chiếc xe CAR thuê bao, bắt đầu chuyển bánh đưa gia đình nàng rời xa Đà Lạt. Chờ chiếc xe đưa gia đình Khánh Vân khuất dạng dần sau mấy cụm thông gìa, tôi mới thẩn thờ đi về nhà mà lòng nặng triểu với bao nổi tiếc nhớ. Tôi tiếc vì chưa một lần thổ lộ chính thức tình yêu với nàng và cũng như hôm nay, chưa được một lần đưa tiễn.
Thế là hết ….

Ngày tôi trình diện Đơn vị, là một ngày vào đầu Thu, mưa rơi khắp đường phố trong Thị xã Bảo Lộc. Lòng đã vướng buồn mà cảnh càng làm tôi buồn thêm. Sau khi mặc chỉnh tề bộ Treillis màu xanh lá rừng và mang cấp bậc Chuẩn Úy trên cổ áo. Ông anh rể tôi là Chánh Văn Phòng Tòa Hành Chánh Tỉnh Lâm Đồng, đưa tôi đến nơi tôi cần đến để trình diện. Đó là Cơ quan An Ninh mới được thành lập không lâu tại Tỉnh này.

Sau khi chào kính vị Đại Úy Trưởng Ty, tôi được ông hướng dẩn đến giới thiệu các Ban ngành trực thuộc, và bắt tay một Sĩ Quan khóa 16 đã đến đây trước tôi khoảng 6 tháng. Anh ta và tôi ngồi làm việc chung một phòng.
Giờ đây, từ nhân sự đến công việc đối với tôi hoàn toàn xa lạ. Điều làm tôi lo lắng nhiều hơn cả, là ông Chef của chúng tôi không bao giờ thấy ông nở nụ cười trên môi, nước da ngâm đen, gương mặt lại khắc khổ, chiếc kiếng Rayban đen luôn che kín đôi mắt của ông. Nhìn ông, ai cũng nghĩ ông là người khó tính. Dù vậy, khi trình diện và nhận công việc xong, tôi lấy cớ phải thu xếp một số công việc còn dở dang, để xin vài ngày phép về Sàigòn, nhưng thật ra, mục đích là đi tìm lại người xưa, theo địa chỉ mà chị Khánh Hoàng cho tôi, khi gặp chị tại Phi trường Tân Sơn Nhứt.

Lần theo địa chỉ, không mấy khó khăn để tìm ra nhà Khánh Vân. Tôi dựng chiếc Yamaha bên lề đường, khóa xe cẩn thận mới đến cửa bấm chuông. Cửa mở, tôi nhận ra ngay người vừa mở cửa chính là mẹ Khánh Vân. Thời gian đã khá lâu mà bà vẫn còn nhận ra tôi, vì trước đây khi còn ở Đà Lạt, tôi chỉ gặp và chào bà có một lần. Tôi chưa kịp chào hỏi thì bà đã lên tiếng.
-         Cháu vô nhà, Khánh Vân đang ở trong.
Bước vô phòng khách, thấy Khánh Vân đang ngủ trưa trên chiếc divan bằng gỏ đỏ (loại gổ quí trên vùng cao nguyên). Bị mẹ gọi bất ngờ, nàng bật dậy lơ lào nhìn chung quanh, chợt thấy tôi nàng vô cùng kinh ngạc nói ú ớ.
-         Sao . . .  biết Vân ở đây . Tôi thản nhiên trả lời.
-         Khoa gặp chị Hoàng tại Phi Trường Tân Sơn Nhứt cho địa chỉ, mới tìm được nhà ở đây.
Như ngầm hiểu vê chuyện quen biết giữa tôi và Vân ngày xưa, nên mẹ Khánh Vân bỏ đi ra sau nhà, khi ấy nàng cũng vào trong, mang ra cho tôi một ly nước cam đặt trước mặt rồi vô phòng riêng. Một lát sau Vân đi ra với bộ đồ màu xanh lá mạ trên người. Nhìn nàng, tôi không thể ngờ bây giờ nàng lại đẹp đến thế, đẹp hơn cả lúc còn đi học. Thấy tôi cứ mãi nhìn, Vân cười và nói.
     -    Bộ Vân lạ lắm sao mà Khoa nhìn dử vậy.
-   Vân bây giờ đẹp lắm, đẹp nhiều hơn xưa.
Trong phòng khách hiện giờ chỉ còn có tôi và Khánh Vân, nên tôi nghĩ đây là cơ hội duy nhứt đươc trực tiếp nói chuyện nghiêm túc với nàng, để hiểu thêm tình cảm của nàng dành cho tôi có còn được như xưa không, bởi vì đã nhiều năm dài, chẳng hề có thư từ qua lại, vã lại mỗi người mỗi nơi, thì làm sao tránh khỏi lòng người không thay đổi.
Khánh Vân ngồi xuống ghế đối diện và mời tôi uống nước. Tôi cúi xuống định bưng ly nước cam lên uống, chợt thấy dưới tấm kiếng mặt bàn có một tấm hình chụp tại một hồ nước ở đâu đó, mà người đứng bên cạnh Khánh Vân là một thanh niên lạ, chẳng biết có quan hệ gì với nàng không. Thấy tôi chăm chú vào tấm hình, Khánh Vân hơi giật mình nhìn tôi, nàng nói có vẽ không được tự nhiên.
-         Không .. không phải …đó là anh Nghĩa đang học Sư phạm, chỉ là… bạn thôi.
-         Vân đừng ngại, dù là bạn hay là gì đi nữa cũng chẳng sao đâu.
-         Không, …. Khoa đừng nghĩ gì khác, chỉ là bạn thôi mà.
-         Hôm nay Khoa đến đây, không biết lúc nào trở lại, nên muốn hỏi Vân đôi điều mong Vân
thật lòng trả lời.
Khánh Vân im lặng hồi lâu mới nhỏ nhẹ lên tiếng .
     -    Khoa muốn nói với Vân điều gì, quan trọng lắm không.
     -    Đối với Khoa rất quan trọng, Vân biết đó, dù bao năm xa cách hình bóng Vân vẫn mãi trong tim Khoa. Sau ngày gia đình Vân về lại Sàigòn. Khoa rất buồn có dò hỏi bạn bè, nhưng chẳng ai biết Khánh Vân ở đâu, may mà gặp chị Hoàng mới tìm được ở đây. Bây giờ không biết tình cảm Vân dành cho Khoa có còn được như xưa không.
Sau câu hỏi của tôi, Khánh Vân thở dài.
-         Thật ra, từ lúc rời xa Đà Lạt, Vân cứ tưởng không còn có ngày gặp lại Khoa nữa, và tình
cảm cũng vì đó mà phôi pha ít nhiều theo năm tháng. Hôm nay gặp Khoa, Vân rất vui, đừng nhắc lại chuyện cũ làm gì.
-         Khoa không trách gì Vân đâu. Điều đó cũng là lẽ tự nhiên thôi. Ngày mai Khoa phải trở
về Đơn vị, không còn có dịp gặp nhau, nên chẳng biết Khoa nói lên điều này với Vân có sổ sàng lắm không.
-         Khoa cứ nói, Vân nghe đây.
-         Trường hợp gia đình Khoa đến gặp hai bác về chuyện chúng mình, Vân có thuận ý không?
Lúc này Khánh Vân nhìn thẳng vào tôi rồi cúi mặt xuống nói như trách móc.
-         Tại sao lúc trước Khoa không nói.
-         Làm sao nói được, khi mà chúng ta còn trên ghế nhà trường, tương lai lại vô định. Khoa
biết Vân rất khó xử về câu hỏi này. Nhưng Khoa muốn nghe Vân trả lời thật với lòng mình.
Khánh Vân im lặng không trả lời. Tôi nói tiếp.
-         Dù ngày xưa Khoa là người đến trước, nay lại là kẻ đến sau. Sự thể có phủ phàng đến đâu,
Khoa cũng đành chấp nhận thôi.
Lúc này trên đôi má Khánh Vân đã có vài giọt lệ lăn dài. Tôi không biết những giọt nước mắt này nàng khóc cho ai. Câu chuyện đang dở dang thì một thanh niên từ bên ngoài đi vào. Khánh Vân đứng dậy giới thiệu với vẽ mặt mất bình tĩnh.
-         Đây là Đăng Khoa bạn học cũ của Vân tại Đà Lạt và đây là anh Nghĩa.
Tôi đứng dậy bắt tay người thanh niên tên Nghĩa vừa vô nhà.
-         Chào anh,
Anh ta cũng đáp lại.
-         Chào ành.
Thấy Khánh Vân bối rối, và không muốn nàng khó xử trong hoàn cảnh này, nên tôi chào từ biệt hai người. Khánh Vân đưa tôi ra cửa và nói.
-         Khoa cho Vân xin địa chỉ viết thư.
-         Để làm gì, có cần lắm không. Nói vậy nhưng tôi cũng cho nàng địa chỉ KBC của tôi, và
rời khỏi nhà trong khi Khánh Vân đưa mắt nhìn theo.

Trở về Đơn vị làm việc khoảng tuần lễ thì nhận được thư của Khánh Vân. Trong thư chỉ có 4 trang giấy học trò, nhưng tất cả đều bị nhòa mực bởi những giọt nước mắt. Có lẽ Khánh Vân khóc nhiều trong lúc viết lá thư này đến tôi. Nội dung thư, Khánh Vân thổ lộ hết những gì đã xảy ra trong đời nàng, kể từ khi gia đình rời xa Đà Lạt và xa cả tôi. Đọc đi, đọc lại nhiều lần, tổi chỉ biết thở dài mà buồn cho phận mình chứ chẳng biết trách ai. Những dòng chữ sau cùng, Khánh Vân mong tôi tha thứ, đừng kết tội nàng là kể bạc tình. Khuyên tôi hãy quên nàng, quên một mối tình không trọn, mà sớm lập gia đình để lòng nàng được thanh thản, không bị ray rứt bởi cảnh trái ngang, và mong sao tôi gặp được người bạn đời đức hạnh, thay thế nàng mang nhiều hạnh phúc đến với tôi trong suốt cuộc đời. Riêng nàng thì luôn nguyện cầu Đức Mẹ ban phước lành cho tôi mỗi khi đi lễ Nhà thờ.
Kể từ đây tôi không còn gì để nhớ để thương, tất cả đã xa rồi, kỹ niệm ngày xưa nay chỉ còn lại trong ký ức mà thôi.

Một năm sau đó, tôi nhận được thiệp hồng của Khánh Vân báo tin nàng thành hôn với Giáo sư Nguyễn hữu Nghia.
Rồi ngày tháng qua đi, vết thương lòng trong tôi cũng phai dần theo năm tháng. Vào một buổi chiều sau giờ tan sở, tôi cùng ông chef được vị Trưởng Phòng Nhì mời đến nhà dùng cơm tối. Lúc trò chuyện trong phòng khách, chúng tôi được một thiếu nữ đến mời nước. Hỏi ra mới biết nàng là bà con của chủ nhà và quê ở Châu Đốc, hiện là Công Chức Ty Tài Chánh Tỉnh.
Như con chim từng bị ná, tôi chẳng còn dám để tâm nhiều đến phái nữ, dù người thiếu nữ tôi gặp hôm nay cũng có dáng hình xinh đẹp, nét mặt dịu hiền, có nụ cười tươi luôn nở trên môi giống như Khánh Vân ngày xưa, với vẽ đẹp tự nhiên ấy, dù cho ai khó tính đến đâu cũng phải nhìn nhận nàng thuộc vào hàng phụ nữ có nhan sắc.

Cuộc đời có khi chuyện không mong lại đến, vào một buổi chiều, tôi đến khu Công Chánh tìm nhà một nhân viên, tình cờ đi ngang qua căn nhà có cửa sổ đang mở. Nhìn vô trong tôi ngạc nhiên thấy cô Công chức tôi thường gặp tại Ty Tài Chánh đang trong nhà, mà trước đây tôi gặp nàng ở  chỗ khác. Vì muốn tìm hiểu, nên gõ cửa lấy lý do hỏi thăm nhà của nhân viên thuộc quyền . Cô nàng mở cửa, thấy tôi gật đầu chào và mời vô nhà. Để nàng khỏi ngạc nhiên, tôi nói ngay..
-         Tôi đang tìm nhà người quen, nên gõ cửa hỏi thăm, không ngờ gặp cô ở đây.
-         Anh ngạc nhiên cũng phải, hôm trước anh gặp tôi. Đó là nhà người bà con, còn đây là
nhà người chị ruột. Sau vài câu xã giao, Tôi mạnh dạn hỏi.
-         Nếu cô không chấp, xin cho hỏi, vì sao từ Châu Đốc xa xôi, mà đến làm việc tại Thị Xã
bé nhỏ, sáng nắng chiều mưa này.
-         Đây là câu hỏi mà tôi thừờng phải trả lời. Như anh biết đó, tôi có người bà con là Sĩ quan
 phục vụ tại Tiểu Khu này, muốn chị em tôi đến làm việc nơi đây vì khí hậu tốt, công việc lại thích hợp với phụ nữ. Khi lên đây thấy đúng theo những gì ông ấy nói, nên ở luôn và làm việc cho đến bây giờ. Chị tôi hiện nay là Giáo chức trường Tiểu học Công Lập và tôi làm việc tại nơi anh thường gặp. Chuyện trò với nàng khá lâu, trước khi ra về tôi xin phép hỏi nàng.
-         Lần sau tôi đến thăm, có làm phiền gia đình không.
-         Nhà không có gì cả, nếu anh không chê mời anh đến.
Tôi ra về với niềm vui nhỏ trong lòng, kể từ nay tôi có chỗ để trò chuyện khỏi phải đi lang bang vô định như mọi khi.
Câu chuyện tôi thường đến nhà người nữ Công chức Ty Tài Chánh, không mấy chốc cả Tòa Hành Chánh hầu hết ai cũng biết. Lạ lùng hơn nữa những người thân quen, như ông Chef , ông anh rể của tôi, ông Trưởng Ty CSQG người mà tôi thường tiếp xúc trong công việc, và cả người bà con của cô nàng đều muốn tôi đến gần nàng thêm nữa để tiến tới hôn nhân.

Thời gian không lâu, cuộc hôn nhân của chúng tôi cũng được cử hành trọng thể,. Bây giờ gia đình được hạnh phúc, ngoài tình yêu cho nhau, chúng tôi không thể quên ơn những người đã góp phần tạo nên những gì chúng tôi có được ngày hôm nay.

Sau 3 tháng tu nghiệp Trường Tình Báo Quân Lực Hoa Kỳ Thái Bình Dương tại Okinawa (USARPACINTS) trở về, nhằm lúc miền Trung chiến sự mỗi ngày một gia tăng, đặc biệt các vùng Ba Tơ, Đức phổ thuộc Tỉnh Quảng Ngãi bị đánh phá nặng nề nhất. Có thể vì tình thế như vậy, nên khi về Đơn vị chưa được hai tuần thì được lệnh tăng phái một tháng, cho Chiến dịch Phản tình báo chiến trường do Trung Ương phát động. Với trách vụ là Trưởng ban giải đoán tin tức tình báo chiến thuật, nên công việc cũng khá bận rộn, đôi khi còn phải đích thân đi phối kiểm các tin tức từ nơi xa, nhờ vậy mà tôi được biết thêm nhiều điều về quê hương Núi Ấn, Sông Trà. May mắn hơn nữa, tôi có được một tài xế trẻ tuổi sinh trưởng tại Quảng Ngãi, những lúc rổi rãnh tôi thường nhờ anh ta đưa thăm các nơi sản xuất đường tán, đường phổi, đường phèn, kẹo gương, kẹo mạch nha , . . .
Hoặc chạy xe trên Quốc Lộ 1A băng ngang qua cầu sông Trà Khúc đến núi Thiên Ấn nằm im lìm về phía Bắc dòng sông hiền hòa để ngắm cảnh. Ngoài ra, anh cũng giới thiệu với tôi các đặc sản của quê hương anh, nên tôi được anh đưa đến các quán ăn có tiếng trong Thành Phố, để thưởng thức các đặc sản của xứ Quảng, mà anh thường nói như món “Don” món “Ram” và nhiều món khác của Quán 72 trên đường Võ Tánh mà chủ nhân của quán này là ông Thiện. Chưa hết, anh còn đưa tôi tới quán ông Giới đường Quang Trung (Trà Khúc) để thưởng thức món chim Mía. Tất cả các món ăn này thật khoái khẩu và đều có hương vị rất đặc biệt. Anh còn ví von, nếu ai đến Quảng Ngãi mà chưa dùng các đặc sản này, thì coi như chưa đến Quảng Ngãi, câu nói đó cũng chẳng sai.

Thời gian trôi qua rất mau, chỉ còn một ngày nữa là tôi phải rời xa Thành Phố này, để trở về Đơn vị trong niềm luyến tiếc. Sáng hôm ấy tôi dậy sớm, sắp xếp gọn đồ cá nhân vào vali, nhờ anh tài xế đưa ra phố mua vài vật kỹ niệm, tiện thể chạy xe quanh Thành phố, nhìn lại các con đường tôi từng đi qua để chia tay lần cuối.

Quảng Ngãi tuy không là quê hương của tôi nhưng sao tôi thấy gần gũi quá, thời gian không còn bao lâu nữa là phải chia tay. Chia tay với người dân xứ Quảng hiền hòa, với dòng sông Trà khúc lặng lẽ chảy quanh, với cảnh núi Ấn mơ màng khi chiều xuống.
Bỗng anh tài xế cho xe dừng lại trước quán cà phê bên đường. Tôi chưa kịp hỏi thì anh đã lên tiếng.
-         Mời ông Thầy vô dùng cà phê. Em bảo đãm ông Thầy sẽ nhớ mãi hương vị cà phê xứ
Quảng của em. Tôi cười nhìn anh ta.
-         Ừ, để coi cậu nói đúng không.
Chúng tôi xuống xe đi vô quán. Một cậu bé độ 5,6 tuổi khoanh tay chào.
-         Cháu chào hai bác. Tôi xoa đầu cháu mà khen cha mẹ khéo dạy cháu lễ phép.
Quán giờ này cũng vắng khách, chúng tôi kéo ghế ngồi. Một thiếu phụ từ bên trong đi ra hỏi.
-         Hai ông uống gì. Trong lúc tôi nhìn ra đường, anh tài xế ngồi đối diện với tôi nhanh nhẩu
trả lời.
-         Chị cho tôi xin ly cà phê đen có đá, rồi anh ta nhìn tôi hỏi.
-         Ông Thày uống gì.
-         Xin chị cho ly cà phê sữa đá.
Trong lúc chờ đợi, tôi bật lửa đốt điếu thuốc Ruby Queen thả nhẹ hơi khói, nhìn quanh thấy quán tuy nhỏ nhưng sắp xếp rât thứ tự và đẹp mắt. Cháu bé lúc nãy bưng ly cà phê đen đi từ từ ra đặt trên bàn rồi chạy đi. Người thiếu phụ chủ quán cũng vừa mang ly cà phê sữa định để trước mặt tôi, nhưng khựng lại, khiến ly cà phê sắp đổ. Tôi đưa tay giử lấy ly cà phê trên tay nàng mà không khỏi ngạc nhiên với cử chỉ lạ lùng của chủ quán. Đặt ly cà phê xuống bàn nàng vội quay đi như muốn trốn chạy. Tôi đứng lên nhìn nàng, rõ ra là Khánh Vân. Tôi kêu lên.
-         Kìa Khánh Vân! Sao Vân ….lại… ở đây.
Khánh Vân không nhìn tôi, nàng cúi mặt nói trong nghẹn ngào.
-         Chuyện dài lắm, không ngờ Vân gặp lại Khoa trong hoàn cảnh này.
Anh tài xế, hết nhìn tôi lại nhìn người chủ quán rồi ngạc nhiên hỏi.
-         Ông Thầy có quen với chị chủ quán sao. Tôi không trả lời chỉ gật đầu.
-         Chắc đã lâu gặp lại, ông Thầy ngồi nói chuyện, em chạy ra phố một chút.
Đợi anh tài xế lái xe đi, Khánh Vân khép bớt cửa quán, nàng kéo ghế ngồi đối diện với tôi gương mặt thoáng buồn. Câu bé lúc nãy thấy Khánh Vân và tôi trò chuyện nên đến hỏi mẹ.
-         Ai vậy mẹ. Khánh Vân xoa đầu con và trả lời.
-         Cậu Khoa của con đó. Nàng quay sang tôi nói tiếp.
-         Bé Lâm con trai duy nhất của Vân.
Nhìn Khánh Vân tôi thấy quá thương xót cho nàng, nhưng vì muốn biết chuyện gì đã xảy ra, nên lên tiếng hỏi.
-         Cả gia đình Vân đều là nhà giáo đang dạy học tại Sàigòn mà, sao lại phải ra đây, Vân có
thể cho Khoa biết được không, nếu không tiện thì thôi.
Khánh Vân nhìn vào khoảng không, chậm rải trình bày hết nổi lòng mình từ lâu khép kín.
-         Sau ngày anh Nghĩa ra trường được bổ nhiệm Giáo sư dạy lớp Đệ Tam của một trường
Công Lập và Vân cũng được bổ nhiệm dạy một trường Trung học Đệ Nhất cấp bên Gia Định
Vợ chồng Vân sống hạnh phúc bên nhau hơn một năm thì sinh bé Lâm. Thế rồi vào một ngày Vân không nhớ rõ, anh Nghĩa nhận được điện tín của cô em gái từ Quảng Ngãi báo tin “Mẹ đau nặng, anh Nghĩa về gấp”.
Nghe Vân kể đến đây tôi hỏi tắt ngang.
-         Anh Nghĩa là người sinh trưởng tại Quảng Ngãi phải không.
-         Phải, anh Nghĩa mồ côi cha lúc anh 15 tuổi là con trai trưởng, và anh chỉ có cô em gái
duy nhứt tên Nga cùng sống chung với mẹ. Sau khi đậu Tú tài toàn phần, mẹ anh khuyên nên thi vào Sư phạm để nối nghiệp cha. Vì thân phụ của anh cũng là nhà giáo. Tuy có lời khuyên của mẹ nhưng anh vẫn đắng đo, sợ  không ai chăm sóc mẹ khi phải vô thi Sư phạm tại Sàigòn và cũng có thể sẽ phải làm việc tại đây. Thấy anh Nghĩa phân vân, cô Nga cũng khuyên anh nên yên lòng mà lo cho tương lai. Mọi chuyện trong gia đình đã có cô. Cả mẹ và em cùng khuyên bảo, nên anh yên tâm ra đi.
Sau khi tốt nghiệp, anh được bổ nhiệm dạy học tại Sàigòn. Hôm nhận được điện tín, Anh Nghĩa vội vàng xin phép Trường về thăm mẹ, sau một tuần thì anh trở về Sàigòn với nhiều nổi ưu tư. Anh cho biết bệnh tình của mẹ chưa thuyên giãm, mà cô em gái sắp phải theo chồng làm việc tại Tỉnh khác. Biết được như vậy, Vân đề nghị anh Nghĩa nên xin thuyên chuyển về dạy tại Quảng Ngãi. Anh ngần ngại hỏi.
-         Còn Vân và bé Lâm thì sao
-         Vân cũng xin thuyên chuyển cùng con theo anh đến Quảng Ngãi, nếu không được thì em
cũng sẽ xin thôi dạy để lo cho anh và bé Lâm đang cần sự chăm sóc của em.
Mọi việc đâu đó đều được êm xuôi và sự chuẩn bị cho chuyến đi không trở lại cũng tạm xong.

Đâu ngờ chuyến xe đò xuôi về miền Trung hôm ấy, là chuyến xe định mệnh của gia đình Vân. Nói đến đây thì nàng bậc khóc, làm tôi cũng thấy xốn xang trong lòng. Nàng nói tiếp.
-         Khoa biết không, xe chạy được một ngày đường thì xảy ra tai nạn do vụ hai xe đụng nhau
vì tranh qua mặt trên khoảng đường quanh co. Kết quả cả hai xe đều bị lật. Tai nạn khủng khiếp xảy ra gây thương vong cho nhiều người trên hai xe. Chiếc xe của gia đình Vân đi chết 5 người có cả tài xế còn lại tất cả đều bị thương. Anh Nghĩa ngồi bên ngoài bị thành xe đè gãy cả hai chân, trong lúc đau đớn ấy mà anh còn cố gắng hỏi Vân và bé Lâm có sao không. Vân cho biết, bé Lâm ngồi trong lòng nên không việc gì còn Vân thì bị thương bên cánh tay trái. Tất cả người chết và bị thương được đưa vô bệnh viện cấp cứu. Trong số người bị thương, anh Nghĩa là người bị nặng hơn cả, đến nổi việc chữa trị cho anh phải họp bàn với nhiều Bác sĩ trong bệnh viện. Quyết định sau cùng của các Bác sĩ là anh Nghĩa phải bị cưa cả hai chân phía dưới đầu gối 20cm. Lúc này Anh Nghĩa đang hôn mê, còn Vân thì hoảng hốt trước tin sét đánh đó. Vân van xin các Bác sĩ giúp đỡ cho anh Nghĩa chỉ phải cưa một chân thôi. Nhưng không được, các Bác sĩ cho biết vì xương cả hai chân đều bị dập, không làm sao phục hồi được, nếu không giải quyết ngay sẽ nguy hiểm cho nạn nhân. Lúc bấy giờ Vân khổ sở vô cùng, chỉ biết khóc và khóc mà thôi, còn gì đau đớn cho bằng chồng thì sắp bị cưa chân, còn Vân đang bị thương cánh tay lại phải ẩm bồng lo cho bé Lâm chẳng biết trông cậy vào đâu. Nghe Vân kể đến đây tôi không làm sao cầm được nước mắt, nhưng phải ngoãnh mặt nơi khác sợ Vân nhìn thấy càng làm nàng mủi lòng.

Sau tai nạn đó, Anh Nghĩa được trợ cấp một số tiền tương đối, và các đồng nghiệp cũng đóng góp chia sẻ nổi thương đau với gia đình Vân. Nhờ có được số tiền đó mà Vân xin phép sửa lại căn nhà đang ở thành hai phần, phần trước làm quán cà phê này, phía sau để ở. Anh Nghĩa lúc ấy di chuyển bằng hai nạng gỗ rất khó khăn, anh thường thở dài than trách, chẳng giúp gì cho gia đình lại làm khổ vợ con. Vì thấy Vân quá cực, phải thức khuya dậy sớm lo cho mẹ, lo cho chồng, lo cho con đi học và lo việc bán buôn hàng ngày để kiếm sống nuôi gia đình. Có lần anh có ý tìm đến cái chết. Vân đoán biết nên khuyên anh hãy vui sống với vợ con, mong anh đừng quẫn trí mà làm cho gia đình khổ thêm. Trước mặt chồng con, lúc nào Vân cũng tươi cười, nhưng sau đó có ai biết được trong lúc mọi người yên giấc,Vân ngồi khóc một mình, khóc cho thân phận khóc cho cuộc đời bất hạnh của Vân. Nói đến đây, nàng khóc nhiều hơn, tôi chẳng biết phải làm sao để ngăn những dòng nước mắt thương đau ấy, không còn lăn dài trên đôi má nàng. Sự thể đến nổi này sao, một cô giáo tay yếu chân mềm sinh đẹp ngày xưa, nay phải bương chải kiếm sống qua ngày.
Ngưng giây lát. Vân tiếp tục nói.
Tuy Vân có khổ cực về tay chân, nhưng đổi lại cũng được an ủi phần nào vì anh Nghĩa giờ đây cũng  phụ giúp Vân được vài công việc nhỏ bên trong quán, khi rỗi rãnh anh đọc báo và dạy cho bé Lâm học, anh không thể ra ngoài tiếp khách như Vân. Mỗi khi thấy anh chống nạn tỳ người vào cạnh bàn để rửa ly, tách, Vân không cầm được nước mắt thương anh vô cùng.

Nghe Vân kể hết chuyện của đời mình lòng tôi se thắt, cảm thương cho nàng sao lại gặp quá nhiều nổi bất hạnh.
Câu chuyện đến đây, thì cũng vừa lúc anh tài xế đem xe đến giục tôi.
-         Ông Thầy từ giả chị đi, để còn về chứ chiều rồi. Ngày mai ông Thầy còn phải lên đường
mà.
Anh tài xế nói xong, Vân nhìn tôi và nói rất nhỏ.
-         Ngày mai Khoa trở về với gia đình, cho Vân gởi lời thăm chị và các cháu, mong gia đình
Khoa luôn hạnh phúc. Tiếc rằng gặp nhau quá đột ngột, Vân không kịp chuẩn bị một vật kỷ niệm nào để tặng Khoa lúc này.
Mỗi câu nói của Vân như những mủi kim đâm vào lòng ngực. Tôi nghẹn ngào nói không nên lời, đứng dậy nhìn Vân thật lâu, trong lúc nàng vẫn còn rưng rưng nước mắt. Tôi cầm lấy tay nàng mà không muốn rời ra.
Sợ người tài xế chờ, Vân rút tay về và nói với tôi lời từ biệt sau cùng.
Anh tài xế mở máy cho xe lăn bánh, nhìn ra sau tôi vẫn thấy hai mẹ con Vân đứng trông theo,
cho đến khi xe khuất sau lớp bụi đường dầy đặc trong buổi chiều phai nắng.

Nhật Minh  (Sept, 1st  2014)

Monday, September 29, 2014

ĐÀLẠT:THIÊN ĐÀNG ĐÁNH MẤT


Đà Lạt : Một Thiên Đàng Đánh Mất 

Vi Khuê - Chử Bá Anh

Lúc bấy giờ nơi đây là một miền đất hoang vu vô cùng bí hiểm, chưa hề biết đến dấu chân người. Núi non điệp điệp, thác lũ ào ào; gió, như hồn ma, rú lên từng hồi ghê rợn giữa muôn trùng bát ngát. Cọp ngồi chồm hổm thở phì phò dưới rặng cây, rắn lê la trườn mình trên cỏ dại, voi từng đàn nối đuôi nhau lầm lừ trong lặng im. Hoang dã bao trùm cảnh vật. Một vài bộ lạc thiểu số đã dựng chòi dưới chân núi xa xa, nhưng hình thù quái dị của thổ dân trần trụi đứng lom khom với trên vai một cái gùi, chỉ càng tăng thêm vẻ man rợ đến rợn người.

Lúc bấy giờ là vào thời khoảng 1890 - 1894 và nơi đây là miền rừng núi dọc dãy Trường Sơn từ phía Bắc Nam Kỳ đến phía Nam Trung Kỳ và Hạ Lào.

Dãy Trường Sơn đó, quê ta, nơi đã từng ghi dấu lẫy lừng bao chiến công gian khổ, cũng là nơi lúc bấy giờ, sức quyến rũ đã thu hút lại, đã mời gọi đến một danh nhân từ phương trời xa thẳm, mà sau này mãi mãi muôn đời tên tuổi gắn liền với địa danh thơ mộng hàng đầu của Việt Nam : cao nguyên Lâm Viên. Và tên người : Alexandre Yersin.

Vâng, Alexandre Yersin chính là người đã khám phá ra, đã tạo dựng nên Thành phố Đà Lạt, đệ nhất thắng cảnh của Việt Nam Cộng Hòa. Vốn gốc người Pháp, sinh trưởng tại Thụy Sỹ, Yersin tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Pháp. Danh tiếng vang lừng khi mới chưa ngoài 26 tuổi. Bởi tinh thần cầu tiến và tâm hồn ưa phiêu lưu mạo hiểm, tiếng gọi của miền thuộc địa xa xôi đưa đẩy bước chân nhân tài trẻ tuổi đến đó, để rồi không có ngày về. Bác sĩ Yersin sang Đông Dương một ngày đẹp trời năm 1889, làm việc cho hãng tàu Messageries Maritimes. Đi đây về đó theo những chuyến tàu lênh đênh ngoài biển cả, không nơi nào đã cám dỗ tầm mắt yêu thiên nhiên hùng vĩ chàng bằng rặng Trường Sơn, được nhìn thấy từ bờ biển Nha Trang cát trắng. Lập tức những cuộc hành trình thám hiểm được thực hiện không ngại ngần : đường bộ bằng hai chân từ Nha Trang vào Phan Rí, và rồi lại dong thuyền buồm từ Phan Thiết ra tới Qui Nhơn. Đi như vậy, một bóng một thuyền, một người một ngựa, giữa miền đất lạ hoang vu. Chúng ta ngày nay phải giật mình tưởng tượng đến điều kỳ thú lạ lùng đó, và, bởi lòng yêu mến ân nhân của những người mến yêu Đà Lạt, chúng ta muốn thầm hỏi rằng : Phải chăng Yersin là một thi sĩ ? Thi sĩ của thiên nhiên và của hoang vu ? Mà hoang vu ở đây không phải chỉ có trấn, có đèo, có đồi mùa hạ, có đồi cỏ may, có cồn hoang dã, có bến lau thưa hoang vu, ở đây còn là : rừng sâu, nước độc, thú dữ và... mọi ăn thịt người nữa kia. Cho nên trên con đường phiêu lưu mạo hiểm, nhà Bác học trẻ tuổi của chúng ta đã, một lần, vào năm 1893, bị cướp chém đứt nửa ngón tay cái và đâm nhiều nhát vào ngực tại Dran; một lần khác ông suýt bị voi chà, và nhiều lần nữa ông đã đối diện với cặp mắt tóe lửa của cọp rừng già ngồi chơi trên mỏm đá. Ông như không mảy may quan tâm đến muôn vàn đe dọa thử thách, vì còn mãi say sưa ghi chép tỉ mỉ địa thế các nơi đã đi qua. Từ con suối mọn đến dòng sông xa, từ nhánh cỏ gầy đến búp hoa dại không tên đều được ông nhìn ngắm kỹ. Ông hòa mình với thổ dân để tìm hiểu về phong tục và khả năng kinh tế từng miền.

Vào năm 1893, Bác sĩ Yersin tìm ra Cao Nguyên Lâm Viên, thuộc phía Nam dãy Trường Sơn, khi ông phóng tầm mắt nhìn ra cảnh thiên nhiên hùng vĩ ở độ cao cách mặt biển 1.500 thước. Vào năm 1897- 98 tại vùng đất khí hậu hiền hòa nước non xanh ngắt này, đã dựng nên một thành phố nghỉ mát và dưỡng bệnh lý tưởng do đề nghị của Bác sĩ Yersin lên toàn quyền Doumer.

Đó là Thành phố Đà Lạt, khởi thủy chỉ là một diện tích không mấy rộng mang tên một giòng suối nhỏ của bộ lạc người Lát.

Bác sĩ Yersin yên nghỉ giấc ngàn thu tại Nha Trang ngày 1 tháng 3 năm 1943, trong khi thành phố thơ mộng do ông khai phá và tạo dựng không ngừng lớn lên, không ngừng phát triển, không ngừng thăng hoa... Nhưng chỉ vào năm 1923 trở đi, thời kỳ phát triển trở mình của Đà Lạt đã thực sự trở nên một Thành phố mới bắt đầu. Trước tiên là sự tạo lập Hồ Lớn Đà Lạt sau này là Hồ Xuân Hương, một chiếc hồ nhân tạo rộng chừng 4.5 ha. Rồi thì sau đó các ngôi trường học lịch sử đầu tiên mang tên người khai sinh thành phố : Lycée Yersin. Rồi thì những trục lộ giao thông, những nhà máy điện, nhà máy nước, hàng trăm biệt thự kiến trúc Tây Phương. Nhà thờ lớn Đà Lạt, các ngôi chùa Linh Sơn, Linh Phong, khu chợ Ấp Ánh Sáng. Giai đoạn phát triển về mọi phương diện là vào năm 1944. Nhưng mãi đến sau hiệp định Genève (20/7/54). Với sự ra đi vĩnh viễn của người Pháp khỏi Đông Dương, Đà Lạt mới thực sự chuyển mình để trở nên một Thành phố Việt Nam của người Việt Nam.

Trong bao nhiêu năm dài, Đà Lạt đã là một nơi mời gọi, quyến rũ, thu hút người khắp nơi trong nước, cũng như du khách ngoại quốc đến thăm viếng Việt Nam. Trong tâm tưởng mọi người, Đà Lạt là Thành phố của thơ của mộng, Thành phố của sự Thoải Mái và Nghỉ Ngơi, một trung tâm du lịch và văn hóa. Cho đến tháng 4/75, thời kỳ biến cố lịch sử trọng đại gây nên vật đổi sao dời, những ai đã từng sinh sống lâu năm tại miền đất an bình này mà nay đã ra đi hay còn ở lại, hẳn không bao giờ quên được những tên phố, tên đường, tên trường, tên chợ, tên hồ, tên cầu, tên khách sạn, như một lần ghé lại đã đi qua còn khắc sâu muôn vàn kỷ niệm. Kỷ niệm về kỷ niệm. Kỷ niệm về một thiên đàng - nếu có thể lộng ngôn như vậy - trong cái nghĩa thực tế rằng nơi đây đã từng đem lại cho người dân một đời sống đầy đủ tiện nghi vật chất và bình an tâm hồn, dẫu rằng về phương diện kinh tế, Thành phố văn hóa và du lịch này không ở tầm quan trọng đáng kể.

Chỉ cần nhắc lại những tên thôi, những tên khắc vàng trên các bảng hiệu, cũng đủ làm rộn lòng bao kẻ nhớ thương về Thành phố quê hương này và cũng đủ cho chúng ta hình dung ra sinh hoạt tấp nập tươi vui đến thế của một Thành phố nhỏ, trong hàng trăm Thành phố của miền Nam trước ngày 30 tháng 4 đổi đời. Những ai đã đi từ Đà Lạt, hôm nay xin hãy làm du khách trở về thăm viếng thành phố xưa ! Trước tiên, tôi xin giới thiệu các khách sạn lịch sử : Đà Lạt Palace trông ra Hồ Xuân Hương, Mimosa đường Phan Đình Phùng, Thủy Tiên số 7 Duy Tân, Duy Tân 83 Duy Tân, Mộng Đẹp khu chợ Mới, Sans souci đường Nguyễn Trường Tộ, Cảm Đô đường Phan Đình Phùng.

Và các Khách sạn bình dân : Phú Hòa, Vinh Quang, Hòa Bình, Nam Việt, Tinh Tâm, Cao Nguyên, Thanh Ngọc, Thanh Tung, Lữ Quán Sài Gòn, Văn Huê và Lâm Sơn...

Sau các Khách sạn, hẳn quý vị cần biết đến các nhà hàng, các tiệm ăn. Thưa đây là các nhà hàng sang trọng nhất : Dalat Palace, Chic Shangai, Mê Kông, Nam Sơn và Thiên Nga, Mỹ Quang, Như Ý, Kim Linh. Bình dân hơn trên những con đường khác. Nhà hàng lịch sự, đặc biệt về món ăn Pháp là Dalat Palace, L'eau vive, đặc biệt về các món ăn Việt, xin mời quý vị đến quán năm Vinh Hòa, số 7 đường Cường Để, có thịt bò 7 món. Nhà hàng bình dân, đặc biệt về các món ăn Việt Hoa là Đông Hải ở khu Hòa Bình với các món bánh bao rất được ưa thích. Tiệm ăn đặc biệt về món Bắc, có Mỹ Hương và Bắc Hương khu Hòa Bình; về các món Huế là các tiệm ở đường Hàm Nghi và Thành Thái. Ngoài ra còn rất nhiều quán bình dân nữa, đáng kể là quán Thanh Phương ở đường Võ Tánh, giá cả rất thích hợp với các thực khách không nặng túi tiền. Ngoài các hàng cơm sang trọng hay bình dân, chúng ta còn vô số món ăn "dân tộc" rất được tán thưởng. Xin được nhắc lại một lần các tiệm bán các món đặc biệt và hấp dẫn ấy, và mong rằng quý vị, các bạn - nhất là các cô hay ươn mình không thích xơi cơm đừng quá... nhớ nhung ! Tiệm phở Bằng, đường Hàm Nghi, Tùng, Đắc Tín khu Hòa Bình, Ngọc Lan bến xe Đà Lạt Saigon. Như Ý đường Nhà Chung; Bắc Huỳnh và Phi Thuyền trước ga Đà Lạt, hủ tiếu Nam Vang, đường Minh Mạng. Mì vịt Thạnh Ký đường Phan Đình Phùng, mì quảng : quán cạnh rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp, các quán tầng dưới Chợ Mới; và một quán nằm khuất trong hẻm đường Hoàng Diệu, trước trường Văn Học. Bún riêu, bún ốc ở tiệm Thành Công, đường Nhà Chung. Bún bò giò heo : Các tiệm ăn Huế hầu hết đều có món này, nhưng khi nói đến bún bò, người ta thường nghĩ đến quán cây số 4, góc đường Hai Bà Trưng và La Sơn Phu Tử. Món Nai đồng quê - tên gọi thanh nhã là món của thịt cầy - được tìm thấy ở quán Lá Mơ, đường Thành Thái; món thịt dê ở quán Ngọc Dung, Hồ Than Thở, gần bến xe Chi Lăng. Ngoài ra còn rất nhiều quán Bình dân nữa : lưu kỷ niệm nhiều nhất phải kể hàng đầu là dãy quán trước đường Đoàn Thị Điểm, đường Trương Vĩnh Ký, với hàng xôi gà, cháo gà "ngon nhất nước" của gia đình ông Hà Đức Bản, xe mì bánh tôm "ngon hết xẩy a" của chú Tàu nhẫn nại cần cù, xe chè 6 món thơm phức của hai cô nữ sinh trường Tân Sanh, quán cháo lòng nóng hổi và ngọt lịm của mẹ con cô Ti đon đả chào mời...

Về phần các cô cậu thuộc lứa tuổi ô mai thích khoác áo lạnh đi tìm gặp các bạn bè để... sưởi ấm lòng nhau, thì quán chè, tiệm kem và quán cà phê là những nơi thích hợp nhất, quán chè Tuổi Ngọc, tiệm kem Việt Hưng, các quán cà phê Tùng, Trúc, Tình, Nhớ, Trăng Cao Nguyên, Yêu, Thủy Tạ, Shanghai và Mê Kông là nơi thuận tiện nhất để họ và cả lớp người lớn tuổi hơn thường ngồi lặng hàng giờ nhìn ra khu phố chính của Thành phố ngắm các tà áo bay... hay luận đàm thế sự ?

Khách sạn và nhà hàng ăn là những nơi du khách cần phải biết trước tiên, khi đặt chân đến một Thành phố. Nhưng hẳn là còn vô số điều quý vị cần được hướng dẫn và giới thiệu thêm nữa, trên bước nhàn du đến cõi... bồng lai này, bởi vì nhu cầu của con người sau khi no cơm ấm áo còn nhiều thứ lắm, mà Thành phố của chúng ta thì lại đã từng chứng tỏ có khả năng đáp ứng... mọi nhu cầu của kiếp nhân sinh ! Thiết tưởng còn gì thực tế hơn - về phần chúng tôi - là xin gửi đến quý vị nguyên bản kê khai tất cả các địa điểm quý vị cần dùng tới. 

Các phòng tắm nước nóng : Ninh Thuận, Việt Trang, Minh Tâm, phòng uốn tóc Mô Đéc, Hoàng Cung, Mỹ Dung, Tường Lan, Isana, Cô Sương, Người Ảnh. Phòng khám bệnh Bác sĩ Phan Lạc Giản, BS Hoàng Khiêm, BS Nguyễn Văn Thạnh, BS Nguyễn Đình Thiều, nữ BS Nguyễn Ngọc Diệp, BS Đào Duy Hách, BS Mai Trung Kiên. Tiệm thuốc tây: Đà Lạt, Nguyễn Văn An, Hàm Nghi, Duy Tân, Diên Hương, Nguyễn Duy Quang, Lâm Viên. Phòng chữa răng: nha sĩ Võ Thị Sâm, NS Minh Đa, NS Trần Tú, NS Nguyễn Văn Trình. Văn phòng luật sư : LS Hoàng Huân Long, LS Ngô Tằng Giao, LS Phùng Văn Tuệ. Các rạp chiếu bóng Hòa Bình, Ngọc Lan, Ngọc Hiệp. Vũ trường La Tulipe Rouge, Đào Nguyên.

Hẳn nhiên không phải chỉ thuần bằng những tiện nghi vật chất mà đời sống con người trở nên đáng sống, mà Đà Lạt đã có khả năng mời gọi, quyến rũ những tâm hồn. Khi người ta nói Đà Lạt thơ mộng, Đà Lạt Thành phố du lịch, Thành phố văn hóa... thì không phải phở Ngọc Lan hay nem Ninh Hòa đáng được nhắc nhở hàng đầu, mà phải là, trước tiên, các cơ sở phục vụ nhu cầu tinh thần và trí tuệ của người dân địa phương : các Trung tâm văn hóa.

Nhắc lại rằng Đà Lạt là một Trung Tâm Văn Hóa quan trọng vào bực nhất với sự hiện diện của những trường Đại Học phong phú về phân khoa và mới mẻ về đối tượng nghiên cứu như : Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Trường Chính Trị Kinh Doanh thuộc Viện Đại Học Đà Lạt, Đại Học Quân Sự, trường Võ Bị Quốc Gia, Giáo Hoàng Học Viện...

Ngoài ra, còn phải kể : Trường Chỉ Huy và Tham Mưu, Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Trung Tâm Văn Hóa Mỹ... Và, còn gì đáng kể làm nên sinh hoạt tinh thần, trí tuệ của thành phố, ngoài các cơ sở văn hóa lớn lao kia ? Hẳn nhiên là các ngôi trường, ở đây chúng tôi chỉ xin nhắc lại những trường trung học, mỗi trường một màu sắc đồng phục cho học sinh, nói lên đặc điểm riêng như tên trường đã chọn: trường Trần Hưng Đạo, trường Bùi Thị Xuân, trường Quang Trung, Bồ Đề, Trí Đức, Văn Khoa, Việt Anh, Adran, Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương, trường Tân Sanh, Minh Đức, Kỹ Thuật La San, trường Domaine de Marie, trường Thương Mại, trường Phổ Minh, trường Nông Lâm Súc, trường Chi Lăng... Và còn các hiệu sách nữa chứ ! Không có sách lấy gì đáp ứng nhu cầu tình cảm và tư tưởng của Đà Lạt hiền hậu, ưa thu mình trong chăn ấm nghe tiếng nói của nội tâm ? Cho đến năm 1975, Đà Lạt có những nhà sách nổi tiếng như : Liên Thanh, Thiên Nhiên, Nhân Văn, Hòa Bình, Thiên Hương, Tuyên Đức, Hồng, Khải Minh, Minh Thu, Khai Trí...

Và khi người ta nói Đà Lạt thơ mộng, Đà Lạt thành phố du lịch và gọi về Đà Lạt như một thiên đường đánh mất thì không phải là Viện Đại Học hay Nguyên Tử Lực đáng được tuyên dương hàng đầu, mà phải là các danh lam thắng cảnh. Hồ ! Rừng ! Thung Lũng ! Thác !

Hồ là hồ Than Thở, rừng là rừng Ái Ân, thung lũng là thung lũng Tình Yêu ! Còn nơi nào trên thế giới hồ, rừng và thung lũng mang tên "người" như thế nữa không ? Hồ Xuân Hương lớn nhất, nằm ngay trung tâm thành phố. Hồ Than Thở cách Đà Lạt 5 cây số. thung lũng Tình Yêu, thung lũng chìm sâu xuống trong những sườn đồi thẳng đứng và cao thăm thẳm. Thác Cam Ly, thác Datangla, thác Liên Khương, thác Pongour và thác Prenn, nổi tiếng nhất cách Đà Lạt 10 cây số. Suối Vàng, suối Bạc, suối Tía...

Và còn phải kể là thắng cảnh những con đường xinh đẹp mang tên thơ mộng ít nhiều : đường Quang Trung, đường Phạm Phú Quốc, đường Trần Hưng Đạo, đường Lê Thái Tổ quang đãng chạy dài giữa hai hàng thông xanh sừng sững, đường hoa hồng vang bóng một thời, đường vòng Lâm Viên, còn gọi là đường ngoạn cảnh... Và còn phải kể là thắng cảnh những dinh thự và biệt điện khuất mình sau rặng thông xao xác hay nằm hoang vắng giữa cỏ hoa tịch mịch, gợi cho người nhớ chuyện liêu trai : Dinh số 1, Dinh số 2, Dinh số 3 ! Và Viện Đại Học với giàn hoa giấy màu tím hồng rực rỡ quý phái đón chào nam nữ sinh viên tự cổng vào, từ nơi văn phòng, dẫn tới những con đường rộng sáng, mở ra những giảng đường của mỗi phân khoa, và Giáo Hoàng Học Viện với cảnh rộn ràng, trai thanh gái lịch, đến thưởng ngoạn chụp hình kỷ niệm trên lớp cỏ non tơ, ai dám bảo rằng đây chỉ là những cơ sở văn hóa hay tôn giáo mà không phải là những cảnh đẹp kiều diễm nhất của quê hương ? Và Chợ Mới Đà Lạt, khu chợ ba tầng lầu kiến trúc tân kỳ vào bậc nhất Đông Nam Á, vào những ngày tưng bừng nhất trong năm như ngày mãn khóa sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia, Lễ Giáng Sinh và những tuần lễ cận Tết, thì chính là thắng cảnh số 1 đón tiếp hàng ngàn người từ bốn phương trẩy về dự hội.

Ờ mà làm sao có thể nói đến danh lam thắng cảnh mà lại bỏ xót những vườn hoa, phần nhan sắc nhất của nhan sắc, phần thơ mộng nhất của thơ mộng ? Hỡi người ra đi từ Đà Lạt ! Xin hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng đến những vườn hoa : Vườn hoa Thành phố trên đường Hồ Xuân Hương, vườn Rosadola đường Phan Đình Phùng của Ông bà Nguyễn Hữu Vinh, vườn hồng đường Quang Trung của Phu nhân họ Từ, và một vườn hồng nổi tiếng nữa ở đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Gia Trang - ... - Vườn Bích Câu, ngay dưới chân sân Cù, thấp thoáng bóng các chú nài cưỡi ngựa... hồng, lan, cánh bướm, lay-ơn, tú cầu... Nhưng đặc biệt là hoa Đà Lạt chỉ có hai loài, Anh đào hồng phấn dịu dàng và Mimosa vàng tươi rạng rỡ.

Đâu phải chỉ là sự tình cờ hay do ngẫu hứng mà những tên phố tên đường, những số nhà được nhắc lại như thế. Chỉ là mong làm sinh động lại trong trí nhớ người đi xa nửa vòng trái đất những kỷ niệm của quê hương. "Quê hương đẹp hơn cả" không hẳn vì quê hương đẹp, mà chỉ bởi quê hương đầy ắp tình người, tình anh em, tình đồng bào cùng đau chung nguồn lịch sử... Nhưng mà ở đây chúng ta đang nói về thực tế. Nói về Đà Lạt như một thiên đường trong cái nghĩa thực tế nhất; có cơm ăn áo mặc và những tiện nghi vật chất tinh thần. Vậy thì, ngần ấy tiện nghi vật chất và tinh thần, để phục vụ cho dân số không quá 130.000 người, hẳn nhiên là mức sống của người dân phải dễ chịu, dẫu rằng bên cạnh biệt thự Trang Hai cũng có căn nhà nhỏ của người giữ vườn, và để đánh móng tay cho người đẹp Kim Vui của Kivini, đường Minh Mạng, vẫn phải có cô thợ nhỏ 18 tuổi lương chỉ đủ ăn quà. Những bác tắc xi nằm ngủ gật những khi ế ẩm, chỉ cần một ngày đẹp trời du khách viếng thăm Đà Lạt tấp nập là cũng đủ bù lại những giờ chơi không. Ông Nghiêm Tỉ, nhà trồng trọt ở ấp Nghệ Tĩnh, tuy những năm tháng cuối của cuộc đời có vất vả vì hoa màu thiếu phân bón, với những tài sản tạo lập nghe đâu từ thuở Hoàng Triều Cương Thổ, gồm đất nhà vườn, cũng đã nuôi được đến trưởng thành một đàn con đông đúc, kẻ tốt nghiệp Cao Học Chính Trị Kinh Doanh, nguời Kỹ Sư Hàng Hải...

Đất nước ta trải qua cuộc chiến tranh dài ngót 30 năm tính đến tháng 4/75, là một Quốc gia nhỏ và nghèo. Vậy mà trong một thời khoảng đáng kể, một phần dân chúng đã may mắn được hưởng một mức sống đầy đủ tiện nghi như vậy ! Ngày nay trên đất nước người lưu lạc, nhìn lại sau lưng chúng ta không khỏi giật mình tiếc cho một thiên đường... đánh mất ! Ngày xưa bà hàng xóm của tôi ở đường Nguyễn Du vốn có một hoàn cảnh để "đi mây về gió", mỗi lần đi xa về lại kể chuyện nước ngoài cho bà con nghe. Ở Đông Kinh, ở Luân Đôn, ở Hoa Thịnh Đốn người ta sống như thế nào... Bà chép miệng : "Dân Việt Nam mình đang sung sướng mà không biết rằng mình sung sướng. Trên khắp thế giới ngày nay, chẳng có nơi nào hội đủ mọi thứ tiện nghi như Saigon. Người ta có thứ này không có thứ kia, còn mình có "đủ hết". Dường như cảm thấy phản ứng nhẹ của người nghe, bà lại tiếp lời ngay: "Dẫu rằng không có đồng đều, nhưng có người ở biệt thự, có người gác dan, có người cần tài xế lái xe, có người được làm tài xế lái xe, có người đi Mỹ viện sửa sắc đẹp, có cô gái quê ra tỉnh học nghề uốn tóc, đồng tiền cứ thế luân lưu tới mỗi người, còn hơn là không có gì hết".

"Còn hơn là không ai có gì hết !" Còn hơn là bắt đầu lại từ con số không, thì tội nghiệp quá !... Từ sắc đẹp quyến rũ mãnh liệt của cảnh đẹp thiên nhiên miền cao nguyên Lâm Viên, và diễn tiến sự thành lập thành phố của chúng ta, như đã trình bày, cho đến ngày 30 tháng 4 năm 75, lịch sử, thời gian đi qua chưa đầy một thế kỷ. Ngắn ngủi quá cho một Thành phố sinh ra và lớn lên, và trưởng thành. Và phù du làm sao ! Khi mọi sự đã xảy ra như chớp nhoáng, mười năm trời trôi qua chưa đem lại thăng bằng cho não cân ta để trả lời câu hỏi : "Vì sao ta đã đành mất Thành phố, vì sao ta đã mất quê hương ?" Phải chăng vì, trong mục đích tìm kiếm thiên đường khả dĩ có được, chúng ta đã mất đi một thiên đường đã có ? Thiên đường trong một nghĩa rất tương đối, rất hạn hẹp, cũng như hạnh phúc vốn chưa được định nghĩa rõ bao giờ.

Trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tương đối mà con người có thể mưu cầu được cho mình, phải chăng với người dân Đà Lạt ngày nay, Đà Lạt ngày xưa đã là một thiên đường đánh mất ?

Vi Khuê - Chử Bá Anh(Trích từ Độc Lập - Đức)

  



Tuesday, May 6, 2014

TRƯỜNG TIỂU HỌC CỤ THỂ DRAN


                    ECOLE PRIMAIRE DU HAUT DONG NAI
                  
Thầy cô gọi học trò bằng :  CÁC TRÒ...
Các học sinh cũng gọi nhau bằng TRÒ..TRÒ NÀY,TRÒ KIA
Sau khi ngưòi Pháp rời khỏi VN , chương trình Pháp được đổi sang chương trình Việt.
Nhưng vẫn tiếp tục học Pháp văn ,vẫn làm Rédaction,viết Dictée, học Récitation, học thơ ngụ ngôn của LA FONTAINE...
Con ve và con kiến...Le cigale et la fourmi....
       
Những câu CÁCH NGÔN viết trên bảng hoặc treo trên tường:
L'UNION FAIT LA FORCE, L'OISIVETÉ EST LA MÈRE DES VICES....
       Học sinh bắt đầu biết nói tiếng Pháp...nhưng nói với ai ? Pháp
đã đi về tây rồi...!
      (SK là người có cơ hội nói tiếng Pháp nhất,vì Ba làm việc Công Chánh có mấy ông tây hay đến hỏi...chỉ mới dám trả lời ...PARTI...(ba không có nhà).
      
       Sau này qua Sénégal thì nói líu lo...trật trúng gì cũng nói !
nhưng qua Canada -Montréal ...thì mãi cả tháng sau mới nghe được
giọng Normandie....bây giờ mấy đứa cháu cũng nói tiếng Pháp Québecois...ta xin đầu hàng !
      Thời còn Pháp thuộc ,trường học thỉnh thoảng có Thanh Tra đến thăm trường ,xem cách dạy dỗ của thầy cô,mỗi lần nghe thanh tra đến là thầy cô lo lắng ,dặn dò học trò phải ăn mặc sạch sẽ...
Nhưng có khi chuẩn bị 2,3 lần mà họ chẳng đến...cô thầy cũng buồn.
SK thì có mấy lần cô giáo PHÚ dặn mặc áo dài đen cài nơ trên tóc, có lẽ mới lớp năm để chuẩn bị đón thanh tra....

Thỉnh thoảng các thầy cô cũng tổ chức dắt học trò đi du ngoạn tại
Suối Cát ,đồi thông Ấp Lâm Tuyền  cạnh đường Quốc Lộ 20, hoặc
vào trong DẦM , ở xã THẠNH MỸ( nhà của TRÒ CƠ).Học sinh
của Dầm là người Thượng ,rất giỏi Pháp văn . Ở Dầm có ông HUYỆN người Thượng . Khi ông ra HUẾ du học,  lấy người đàn bà xứ HUẾ đã có con gái riêng là chị ĐÀO . Ông HUYỆN sống với bà có hai người con trai . Người anh tên là Toneh Hàn Thọ và người em tên là HIẾU, cả hai đều học Lycée Yersin Đalạt. Toneh Hàn Thọ trước 75 là Đổng Lý văn phòng của Bộ Sắc Tộc . 
Các thầy cô nói chuyện với ông HUYỆN đều bằng tiếng Pháp, và
tại sao gọi vùng này là DẦM ,SK cũng không biết. Có ai biết không?
Còn những kỷ niệm trong lớp học của chúng ta thì...vô số ,kể lại
thì chắc phải dài đến 60 năm...
Ai có kỷ niệm gì ghi lại cho vui...chúng ta qúa già rồi ,nhắc lại cho vui!
(hôm nào rảnh rỗi sẽ gởi lên mấy cái BẰNG TRUNG HỌC,bằng
TIỂU HỌC mất rồi...hồi đó xém nữa SK rớt Tiểu học,bỏ luôn thi
môn Pháp văn mà SK rất khá ,vì ở nhà học thêm cô KIM mẹ của
Nguyễn Dương Quang.)...may mà không rớt ....nhờ có phép lạ!
Nhớ bài thi Cách Trí có câu hỏi : THAN TRẮNG là gì? Các bạn còn nhớ không ...bây giờ biết bao nhiêu đập nước ...)
SK
             

Wednesday, April 16, 2014

Nhân Lễ Giổ Tổ Hùng Vương, Di Tích Thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa.
Thành Cổ Loa là di tích lịch sử có từ hơn 2050 năm, là di tích thứ nhì sau vua Hùng.
Ước nguyện là làm thế nào để đến được các di tích lịch sử từ đời vua Hùng cho đến các triều đại về sau.
Xin giới thiệu di tích thành Cổ Loa ở Đông Anh - Hà Nội.



Hình hướng dẫn du khách vào thành Cổ Loa ở Đông Anh.





Sơ đồ thành Cổ Loa, nhìn thì biết thế nhưng thật ra để nhìn toàn cảnh thành Cổ Loa phải dùng máy bay trực thăng mới thấy được tổng thể của thành vì quá rộng lớn.
Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên.

Thành Cổ Loa được xây bằng đất do thời ấy ở Âu Lạc chưa có gạch nung. Thành có 3 vòng. Chu vi ngoài 8km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km. Diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4-5m, có chỗ 8–12 m. Chân lũy rộng 20–30 m, mặt lũy rộng 6–12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối.



 Điểm đến đầu tiên khi vào thành Cổ Loa, dọc đường đông đúc nhà của phố thị là cửa Trấn Nam.


Miếu thờ thần trấn cửa Nam. Thành Cổ Loa có 4 miếu trấn 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc.
 



Qua cửa Trấn Nam rẽ tay phải đến khu di tích đền thờ tướng Cao Lỗ.




Hình tượng tướng Cao Lỗ ở giủa hồ, tay dương nỏ Liên Châu.

Cao Lỗ (? - 179 trước Công nguyên) (còn gọi là Cao Nỗ, Cao Thông, Đô Lỗ, Thạch Thần, hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần) là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Tương truyền, ông là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát) mà còn được gọi là Nỏ thần. Ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa.





Đền thờ Cao Lỗ.
Mũi tên bằng đồng, cổ vật được tìm thấy tại khu di tích thành Cổ Loa.
Cha đẻ nỏ Thần
Cao Lỗ là người sáng chế ra nỏ Liên Châu (nỏ thần), bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.
Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sỹ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên "Ngự xa đài", dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội).
Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi ông là Ông Nỏ.
Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc chúng đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.


Án thờ tiền sảnh, thờ Bách gia trăm họ.


Án thờ Cao Lỗ ở Hậu cung.


Qua đời

Triệu Đà bèn lập xảo kế thông gia cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Cao Lỗ phản đối, khuyên vua không nên nhận, nhưng An Dương Vương không nghe còn nghe lời dèm pha của Lạc hầu. Cao Lỗ dần dần bị vua xa lánh, ông bỏ đi tìm nơi ở ẩn.
Sau khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương và về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát nhưng do Mỵ Châu tin lời của Trọng Thủy, rải lông ngỗng theo sau để Trọng Thủy lần theo nên cả hai đã tử trận.



Toàn cảnh đền thờ Cao Lỗ.



 Đền thờ Vua An Dương Vương cách đền thờ Cao Lỗ chừng 150m
 


Hồ nước trước đền thờ, một phong cảnh hữu tình nhất của thành Cổ Loa.



Cổng chính của đền thờ vua nhìn ra hồ nước.




 
Qua cổng chính là cổng Tam Quan.



Hình ảnh nhìn từ chánh điện ra phía trước, thiêt kế gọn gàng, hai bên là hai nhà tả, hữu. Buổi trưa hết giờ hành chánh cửa điện đóng nên không vào bên trong điện được


 


Rời điện thờ, ra ngoài nhìn cảnh hồ thật nên thơ, chụp một bức ảnh góc xa nhìn về ngôi đền.



Dù đã trưa nhưng vẫn tiếp tục quay lại đền Cao Lỗ, phái sau đền Cao Lỗ là cung đình, nơi hội họp của An Dương Vương.

Cổng chánh.

 
Cung điện là một tòa nhà 9 căn, cửa đóng then gài vì quá trưa không mở cửa.


 Bên cạnh là miếu thờ Mỵ Nương.


Án thờ Hội đồng.

Án thờ Mỵ Nương ở Hậu cung, nơi đây âm u thấy rợn người khi lẻn vào chụp ảnh.

Một góc nhìn về chánh điện.


Một cảnh của hồ nước trước trước đền thờ rất thơ mộng.


 Góc xa nhìn về ngôi đền thờ vua.

                             Hình ảnh một đoạn thành Cổ Loa.

Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ"
Khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Họ tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài, vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không băng theo đường thẳng như bức tường thành trung tâm.





Nhiều đoạn thành bị cắt xẻ để làm đường giao thông đi lại từ khu vực nầy sang khu vực khác do mật độ dân số tăng lên, lập thành hệ thống liên thông giửa là này qua làng khác đã phá vỡ cảnh quang của hệ thống thành Cổ Loa.

Cửa Trấn Bắc

Cửa Trấn Bắc trên vị trí vòng thành thứ 3, cách trung tâm Cổ Loa 5km. được người dân nơi đây tôn tạo giữ gìn

Vòng thành bị đứt nhiều đoạn. Cứ thấy giửa cánh đồng có đoạn nào cao, cây cối mọc sum sê thì đó là đoạn thành Cổ Loa.


Cửa Trấn Tây. Riêng cửa Trấn Đông không còn vì người dân nơi đó đã san bằng để xây dựng nhà cửa. Thật đáng tiếc.



Người xưa lại xây thành bên cạnh con sông Hoàng để dùng sông này vừa làm hào bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào vừa là đường thủy quan trọng.



Hình ảnh sông Hoàng chảy về thành Cổ Loa. Hiện nay tốc độ xây dựng khu dân cư, làng xóm trong phạm vi khu nội thành đã phá vỡ cảnh quang của khu di tích, nhà cửa xây cao tầng sát với các khu đền thờ quan trọng nhất của thành Cổ Loa.

Nguyễn Hữu Chánh - Sưu tầm