Xuân Phương
Cao nguyên Lang Bian (Lâm Viên) là địa bàn cư trú của các tộc dân người Thượng cho tới thế kỷ 19. Đến năm 1893, đoàn thám hiểm của bác sỹ Alexandre John Emile
Yersin, một nhà khoa học người Pháp gốc Thụy Sỹ, đã khám phá ra vùng đất này lần đầu tiên, và sau đó cái tên Đà Lạt được ra đời. Có hai cách giải thích về nguồn gốc của tên gọi này:
- Là tên ghép từ năm chữ cái đầu tiên của câu châm ngôn bằng tiếng Latin, do ông Yersin chọn: "DAT ALLIS LAETITUM ALLIIS TEMPERRIEM", có nghĩa là " Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành”.
- Ông Cunhac, viên Công Sứ đầu tiên của Pháp tại Đà Lạt đã trả lời khi được phỏng vấn về tên gọi thành phố này: "À la place du lac coulait le petit ruisseau de la tribu des Lat et qu'on appclait Dalat ".Tạm dịch: "Ở hồ nước mà dòng suối nhỏ của bộ tộc Lat chảy qua người ta gọi là Đà Lạt". Theo tiếng Thượng, Da hay Dak nghĩa là nước suối, sông. Lạt, Lát, Lạch là tên của nhóm dân Kơ Ho (K' Ho) đã cư trú nơi đây.
Chiều nay trên đỉnh Lâm Viên
Đưa tôi về với tươi mát thiên nhiên
Khiến lòng tôi dằn xóc đến không yên
Vì vẻ đẹp bất ngờ … Tìm thấy!
- Nguyễn Tuyết Vân
Năm 1916, thị xã Đà Lạt được thành lập, thuộc tỉnh Lâm Viên. Đến năm 1950, thị xã Đà Lạt trở thành thủ phủ của "Hoàng triều cương thổ ": vùng đất đai ở biên giới, nằm trong sự quản lý của triều đại đương thời (Hoàng triều: triều đại đang trị vì, cương thổ: vùng đất đai ở biên giới), là tên để chỉ vùng đất Tây nguyên, theo thứ tự về vị trí địa lý từ Bắc xuống Nam gồm: Kontum, Gia Lai, Daklak, Daknong và Lâm Đồng, theo quy chế hành chánh đặc biệt của vua Bảo Đại trong vai trò Quốc Trưởng, khi quốc gia Việt Nam mới được thành lập.
Đến năm 1955, tổng thống Ngô Đình Diệm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, đã cho sátnhập vùng đất Hoàng triều cương thổ vào Trung phần, được gọi là vùng cao nguyên Trung phần - Vùng này có một tầm quan trọng đặt biệt về chiến lược và kinh tế, vì nằm giữa ba quốc gia Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao..
Dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ, thuộc tỉnh Tuyên Đức, được ưu tiên phát triển như một trung tâm phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học và đào tạo quan trọng. Nhiều trường học, trung tâm nghiên cứu được thành lập (khoảng 56 cơ sở) như: Viện Đại Học Đà Lạt gồm nhiều phân khoa, trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị, trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, trung tâm Nguyên Tử Lực Cuộc, Nha Địa Dư quốc gia... Ngày nay, Đà Lạt là một thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Đà Lạt của mình, thành phố cao nguyên
Là nơi để lòng ta thương nhớ
Nơi hôm nào Lang Bian gặp gỡ
Để sinh thành Đà Lạt hôm nay
- Hoàng Kim
Đà Lạt là vùng đất có rất nhiều, phải nói là có nhiều biệt danh nhất Việt Nam . Hầu như tên nào cũng đẹp, tên nào cũng hay, gợi lên những cảm xúc riêng biệt, từ những khía cạnh khác nhau, đã làm xao xuyến, quyến rủ lòng người - Nào là miền đất của các thác nước, miền đất của hoa dại, miền đất lạnh; Nào là xứ hoa anh đào, xứ thông reo, xứ sở ngàn thông. Từ thành phố hoa, thành phố ngàn hoa, thành phố công viên, thành phố cao nguyên, thành phố dốc đồi, thành phố mù sương qua thành phố bình yên, thành phố mộng mơ, thành phố tình yêu, thành phố mùa xuân đến thành phố kiến trúc, thành phố nghỉ mát, thành phố thi ca, hiện giờ có thêm hai tên nữa là thành phố du lịch và thành phố nhiều nhà ma.
Ôi! Đà Lạt là thơ
Bài thơ mến yêu reo muôn đời
Dệt bằng tiếng gió ngàn reo qua đồi thông hay bên bờ suối
Ôi! Đà Lạt là mơ
Giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần
Tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ đợi tình quân đến trong giấc mơ
- Hoàng Nguyên
Sau khi khám phá ra vùng cao nguyên Lang Bian, người Pháp quyết định xây dựng nơi đây thành một trung tâm nghỉ mát cho họ trong khu vực Đông Nam Á, với chủ trương duy trì sự tồn tại của phong cảnh và các vẻ đẹp sẵn có từ trước trong thiên nhiên như: rừng thông, thác suối, núi đồi... Nhiều kiến trúc sư tài ba, nhiều nhà chuyên môn có khả năng đã được tuyển chọn kỹ lưỡng, để thiết kế và xây dựng những công trình hoàn thiện về mặt thẩm mỹ, hoàn chỉnh về phần kỹ thuật, hài hòa với phong cảnh thiên nhiên, tạo thành một diện mạo riêng cho Đà Lạt: Một thành phố mới với những giá trị kiến trúc đặc thù được công nhận.
Mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu như: nhà ga xe lửa Đà Lạt, nhà thờ Chánh Tòa hay nhà thờ con gà (do có tượng con gà bằng đồng trên cây thánh giá), Grand Lycée Yersin à, các dinh thự như: Dinh I (tổng hành dinh của cựu hoàng Bảo Đại, sau là nhà nghỉ mát của tổng thống Ngô Đình Diệm), Dinh II (dinh Toàn Quyền Pháp), Dinh III (dinh Bảo Đại)à Đà Lạt còn có trên một ngàn biệt thự lớn nhỏ đa dạng, được xây cất bằng gỗ tốt, tường đá, mái ngói đỏ... vật liệu nhập cảng từ Pháp. Phần lớn theo lối kiến trúc Colombage của vùng Normandie, miền Bắc nước Pháp: nóc nhà với mái xéo cao, mặt tiền có cấu trúc khung sườn bằng gỗ cẩn đá hay chèn gạch, lò sưởi không thẳng hay vuông vức mà cong về một phía và Vi vu Đà Lạt
Ru mãi hồn nghe lá thông reo
Gió dập dìu thung lũng tình yêu
… Tìm dáng lâu đài ẩn trong vòm lá
Bâng khuâng giữa sắc vườn hồng
- Trần Chính
Hầu hết các biệt thự Pháp ở Đà Lạt được xây dựng trên những nơi cao ráo (Đà Lạt có khoảng 99 cao điểm), nhìn xuống thung lũng, nhìn xuống hồ Xuân Hương hay nhìn về hướng đỉnh núi Lang Bian. Chúng nằm rộng rãi giữa các vườn cây, vườn hoa, ẩn mình trong rừng thông ngút ngàn, bên những con dốc chênh vênh đồi cao lũng thấp. Đường sá thành phố không có hình ô vuông hay bàn cờ như các đô thị khác, mà lượn theo những triền đồi, bao bọc những vườn hoa, vườn cây, tạo cho ta cảm giác như đang đi trong một công viên rộng lớn
Nếu chẳng có những lưng đồi gió lộng
Dẫn lối ta đi từng khóm hướng dương
Nếu chẳng có tường vi từng rặng
Nghiêng thơ mộng trên ngôi nhà ngợp nắng
Đà Lạt sao gọi được mùa đông ?
Xin cảm ơn con dốc lượn vòng
- Đặng Thị Vân Khanh
Những căn biệt thự đẹp đẽ này dần dà đã bị bỏ phế theo thời gian nên hoang tàn, không người lai vãng, được bao phủ bởi biết bao câu chuyện huyền hoặc, kỳ bí, đã trở thành những ngôi nhà ma. Thực hư thế nào thì không rõ! Chỉ biết vào các đêm rằm, ánh trăng sáng rọi xuyên qua lớp sương đêm mờ ảo che kín cả Đà Lạt, bên cạnh ánh đèn đường hắt vào, cộng thêm tiếng côn trùng rả rít, tiếng gió ào ào trên rừng thông vọng về, càng làm tăng thêm phần lạnh lẽo, âm u cho những biệt thự bỏ hoang này.
Những ngôi nhà ma” nổi tiếng "ở Đà Lạt được kể là: dãy nhà hoang nằm trên đường Trần Hưng Đạo, căn nhà số 10 đường Petrus Ký rồi Trương Vĩnh Ký nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từng là dinh thự của tướng Bình Xuyên Bảy Viễn), căn nhà số 4 đường Long Mỹ quận công nay là Thủ Khoa Huân (từng là dinh thự của tỉnh trưởng Lâm Viên), hai căn biệt thự ở đèo Prenn: một ở đầu đèo, một ở ngang cửa ngõ vào thành phố, có tên là biệt thự Dã Quỳ.
Đà Lạt ơi!
Sẽ không còn em nữa
Khi Cúc Quỳ hoang nhổ hết đi rồi
Biệt thự cổ nếu chỉ là phế tích
Hay trong tranh... ai đó giữ cho đời
- Hiền Mặc Chất
Ở độ cao 1500m, Đà Lạt là thành phố trên cao nguyên với không khí khoáng đãng, trong lành, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trong ngày không thay đổi nhiều, trung bình 18 - 21 độ C, lúc nóng nhất không quá 30 độ C, lúc lạnh nhất không dưới 5 độ C, mùa nóng không nóng, mùa lạnh không quá lạnh-Một khí hậu mùa xuân lý tưởng, nên nơi đây chính là thành phố của mùa xuân. Đà Lạt còn được gọi là miền đất lạnh của Việt Nam , vì nó có một khí hậu ôn hòa của miền ôn đới, nhưng lại nằm trong một xứ nhiệt đới. Cho nên cái lạnh ở Đà Lạt không phải là lạnh buốt, chỉ là cái lạnh se se, nhẹ nhàng mà thôi. Đà Lạt có hai mùa rõ rệt trong năm: mùa mưa tháng 5 - tháng 10, mùa nắng tháng 11- tháng 4.
Giả sử Đà Lạt … không ở miền cao
Thì giá rét không bao giờ vây phủ
Giả sử như … không chút tình tri ngộ
Chắc chẳng bao giờ anh tiễn đưa em
- PN Thường Đoan
Cao nguyên Lâm Viên với hình dáng một "thung lũng cổ ", là nơi cao nhất với cao độ 1500 m, kế đó là cao nguyên Di Linh 900- 1000m, rồi đến cao nguyên Daklak 400- 500m, trong hệ thống cao nguyên xếp tầng đặc biệt của vùng Tây nguyên. Chính nhờ địa thế chênh lệch phức tạp này mà Đà Lạt có rất nhiều thác nước và đồi dốc, để có biệt danh là vùng đất của các thác nước và thành phố dốc đồi.
Thuộc tầng cao nhất của hệ thống cao nguyên xếp tầng Tây nguyên, hình dạng như những bậc thang khổng lồ, Đà lạt vì thế mà có nét độc đáo riêng là toàn bộ thành phố không nằm trên một mặt phẳng đồng nhất, nên nhà cửa và phố xá nằm trên những dãy đồi với vị trí cao thấp khác nhau, để tạo cho Đà Lạt hàng ngàn con dốc. Không nơi nào ở Việt Nam có nhiều dốc như ở Đà Lạt, chỉ ra khỏi nhà thôi là đã thấy dốc rồi! Dốc nghiêng nghiêng lên đồi lên núi, dốc thoai thoải đổ xuống thung lũng, dốc chênh vênh men theo vườn hoa vườn rau, dốc len lỏi vào những ngôi nhà... Nào là dốc Nhà Làng, dốc Nhà Thương, dốc Trại Hầm, dốc Viện Đại Học Đà Lạt à đến dốc Duy Tân, dốc Lê Đại Hành, dốc Đinh Tiên Hoàng, dốc Phù Đổng Thiên Vương...
Thành phố dốc đồi không ngoái lại
buồn như những thung lũng ngủ say
buồn như một nghìn năm cao nguyên hoang dại
buồn như một nghìn năm thông ướt sương
trên đồi …
- Đỗ Trung Quân
Đà Lạt nổi tiếng với hàng trăm thác nước: thác lớn, thác nhỏ, thác ở gần, thác nằm xa thành phố. Mỗi thác có một vẻ độc đáo riêng, ta có thể kể một vài tên quen thuộc: thác Cam Ly, thác Liên Khương (Liên Khàng), thác Hang Cọp, thác Voi, thác Thiên Thai (thác Bảy tầng, thác Pongour), thác Datanla (Dantania), thác Dambri, thác Gougah (Ổ Gà) ... Thác Prenn (Thiên Sa) được coi là hình ảnh tượng trưng cho phong cảnh thiên nhiên của Đà Lạt, cao chừng 13 m, nằm ngay chân đèo Prenn, trên đường đi từ Saigon lên Đà Lạt theo đường 20, xuất hiện như một bức màn bằng nước ngay cửa ra vào của thành phố.
Tùy theo độ dốc khi những con sông, dòng suối... di chuyển từ bề mặt cao xuống bề mặt thấp mà các thác nước có cái đổ xuống nhè nhẹ, thành dòng len lỏi qua các mỏm đá, có cái đổ xuống mạnh mẽ, sủi bọt trắng xóa, bụi nước bay mù mịt cả vùng. Các thác này có khi nằm ẩn trong lùm cây, có khi lấp lánh trong ánh nắng như những con rắn bạc khổng lồ, đang trườn mình xuống núi. Cộng thêm tiếng thác đổ khi ào ào, khi ầm ì vang vọng trong không gian. Tất cả tạo thành âm thanh và hình ảnh hùng vỹ cho vùng đất Tây nguyên nói chung và Đà Lạt nói riêng.
Thác Prenn gần đó chẳng xa xôi
Qua ngọn đèo như dốc tình thử thách
Datanla nước trong veo ngọc thạch
Muôn sắc màu bướm khoe sắc như hoa
- TTTT
Sương mù là hiện tượng hơi ẩm từ mặt nước hồ, suối, sông … bốc lên cao, gặp lạnh, ngưng tụ thành những hạt nước nhỏ li ti, lơ lửng trong bầu khí quyển gần mặt đất. Sương mù thường thấy ở Đà Lạt, Thành phố sương mù là loại sương mù bức xạ không dày, được tạo thành do không khí tiếp xúc với mặt đất lạnh vào ban đêm, nhất là lúc nửa đêm về sáng hay vào mùa mưa, tan biến nhanh chóng khi có ánh nắng mặt trời, không làm thiệt hại nhiều cho việc chăn nuôi hay trồng trọt, nhưng gây khó khăn phần nào cho giao thông.
Đường vào thành phố mù sương
Mây trườn lên dốc, xe trườn lên mây
Chiều nghiêng đổ bóng thông gầy
Bâng quơ lạnh ngọt giấu ngày nắng xuôi
- La Văn Tuân
Từ khi còn là một vùng đất hoang sơ cho đến năm 1975, Đà Lạt lúc nào cũng là một thành phố bình yên (chiến tranh không để lại dấu vết nào đáng kể nơi đây), nhờ vào các điều kiện thiên nhiên, môi trường sống, kinh tế, xã hội, văn hóa ... và con người đã góp phần tạo thành.
Bên cạnh dân thiểu số người Lạch, những người Pháp khi lên sinh sống ở Đà Lạt đầu tiên, vẫn giữ cung cách sống như khi còn ở quê hương mình, họ khác với những người lính viễn chinh hay những người mang nặng đầu óc thực dân, văn hóa Pháp đã ảnh hưởng không ít đến đời sống cư dân Đà Lạt về sau. Đồng thời với người Pháp, dân cư nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam đã đến định cư tại đây: người miền Bắc và các vùng phụ cận (nhất là sau năm 1954), người miền Trung từ Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình- Trị - Thiên, rất ít người miền Nam - Họ là những người nông dân biết khai thác lợi thế đất đai, khí hậu để chuyên sống bằng nghề trồng hoa quả, rau trái ... Họ sống cần mẫn, chịu khó chịu khổ, chỉ muốn sum họp trong mái ấm, bếp lửa gia đình, ít cởi mở, ít thích sinh hoạt bên ngoài vì trời lạnh và sương mù.
Phải chăng Đà Lạt trẻ hoài nhờ màu xanh đam mê
Nên hoa lá quanh năm đều đâm chồi nảy lộc
Người Đà Lạt từ bốn phương về đây tụ họp
Hòa hợp dựng xây nên thành phố của mình - ???
Thiên nhiên bao quanh người Đà Lạt ngày trước hầu như vẫn nguyên vẹn. Sống gần gũi với thiên nhiên, nên dù có tiếp xúc với các tiện nghi vật chất, người dân Đà Lạt còn hiền hòa, chân thật, thuần hậu. Môi trường sống trong lành, tĩnh lặng; Mật độ dân cư không cao so với diện tích đất đai nên đất rộng, người thưa, công việc làm ăn dễ dàng; Nhịp sống không xô bồ, náo nhiệt; Sinh hoạt, giao thông không căng thẳng, khó khăn... Tất cả các yếu tố trên giúp con người thanh thản, dễ chịu, không hối hả trong phong cách từ đi đứng, chuyện trò đến làm việc...
Bến xe và chợ là hai nơi nói lên được phần nào phong cách của cư dân một địa phương- Trước năm 1975, bến xe Đà Lạt trật tự, không có sự chen lấn, thô lỗ. Người buôn bán ở chợ Đà Lạt không có thói thóa mạ hay bắt chẹt, luôn niềm nở, nhã nhặn với khách hàng.
” Điều chắc chắn phải nói là người Dalat hiền. Hiền như nước mưa, nước suối. Hiền như cây trái tốt tươi. Hiền như hoa như gió. Hiền như tiếng thông reo bốn mùa. Hiền như bãi xe lam dăm ba chiếc im lìm nơi bến đậu. Hiền như những cơn mưa bất ngờ bay nghiêng qua thành phố, không hề làm rối chân khách bộ hành "
-(Khánh Ly)
Có điều gì như không thể lãng quên
Mà cứ dặn lòng: thôi, đừng thương nhớ!
Đà Lạt ngày xưa đất lành như thể
Ta vấp ngã là hoa nâng lên
- Ngô Liêm Khoan
"Ta vấp ngã là hoa nâng lên", câu thơ này của thi sỹ NLK nói lên đặc điểm của hoa ở Đà Lạt: chỗ nào cùng toàn là hoa với hoa, đi đến đâu cũng thấy toàn là hoa với hoa. Có nụ hoa hàm tiếu có đóa hoa mãn khai, có cánh hoa lạc địa... Đà Lạt là thành phố hoa, thành phố ngàn hoa, thành phố muôn hoa, vương quốc hoa của Việt Nam .
Hoa xuất hiện ở khắp mọi nơi: hoa nở trên cây cao và hoa rộ dưới thảm cỏ; Hoa mọc trên đỉnh núi, sườn đồi, triền dốc và hoa mọc dưới thác, ven hồ, ven đường; Hoa được người trồng trong vườn, trong công viên và hoa tự mọc trong thiên nhiên; Hoa leo rào gỗ, leo tường gạch và hoa trên balcon, trong chậu kiểng...
Hoa Đà Lạt có thật nhiều loại, phải nói là đủ các loại hoa. Các loài hoa khi đua nhau, khi cùng nhau khoe sắc một lần, hay ở những thời điểm khác nhau, nên quanh năm, lúc nào Đà Lạt cũng rộn ràng hoa nở, như luôn luôn ở vào mùa xuân của đất trời. Mỗi loài hoa có một huyền thoại, một truyền thuyết riêng. Mỗi loài hoa mang mảnh hồn Đà Lạt nở cho tất cả mọi người.
Hoa phương Đông với những cái tên kiều diễm như: tường vi, trà mi, hải đường, mẫu đơn, cát đằng... hay giản dị như dâm bụt, bìm bịp, huệ, sứ, sim... Hoa miền ôn đới du nhập từ phương Tây, một số vẫn giữ tên nguyên thủy như: mimosa, glaieul, coquelicot, lys, forget me not... bên cạnh các tên tú cầu, trạng nguyên, cẩm chướng, thược dược, lồng đèn... Hoa rừng miền nhiệt đới như đỗ quyên, hoa mua, đủ loại hoa lan (phong lan, địa lan à); Hoa dại gồm dã quỳ, bồ công anh, trinh nữ, me đất... để Đà Lạt không hổ danh là vùng đất của các loài hoa dại .
Tôi đi trong Đà Lạt lòng chứa chan
Như cô bé lạc trong câu chuyện cổ
...Hoa trên trời, hoa dưới đất xốn xang
Mimosa vàng như gót chân của nắng
Lay ơn đỏ, lời hoàng hôn thầm lặng
Tím tròn xoe đóa cẩm tú cầu
Hoa vũ nữ múa rồi về đâu ?
- Lâm Thị Mỹ Dạ
Lúc trước, một ngày ở Đà Lạt thường bắt đầu bằng tiếng vó ngựa gõ lốc cốc trong màn sương sớm, đánh thức đất trời phố núi. Những chiếc xe ngựa chở đầy hoa tươi còn ướt đẫm hơi sương vào chợ Đà Lạt: trung tâm thương mại của Đà Lạt, địa điểm cung cấp hoa lớn nhất Việt Nam, nhất là vào những ngày gần Tết; Hoa từ Đà Lạt được phân phối đi mọi ngả đường: vào Nam, ra Bắc, đến cả vùng duyên hải miền Trung bằng xe hàng, xe lửa hay máy bay.
Đà Lạt tháng giêng
Kiêu sa- Với trăm ngàn hương hoa lạ
Gọi tên hoa gì
Để ta được mang em về xuôi
Đà Lạt tháng giêng
Chợ đông người- Xôn xao từng đóa hoa tươi
Cùng lật xem và ngã giá
Đối với hoa ta chưa lần mặc cả
- Trần Thế Vinh
Nói về hoa Đà Lạt thì có lẽ kể đến bao nhiêu cũng còn thiếu, còn quên, cũng không thế nào cho đủ hết. Hoa muôn màu khoe thắm rực rỡ, không theo một hình thức hay trật tự nhất định nào. Đà Lạt như một bức tranh khổng lồ, mang hằng triệu đường nét và màu sắc mà họa sỹ trong lúc tùy hứng vung vẩy cọ, quệt những mảng màu đậm nhạt khác nhau. Chính những vệt màu đậm nhạt khác nhau này đã tạo thành những đường nét chấm phá, có khả năng quyến rũ làm ấm áp lòng người, làm bớt đi cái lạnh lẽo, cái buồn tẻ và đơn điệu của không khí cao nguyên.
Đà Lạt ơi trong bao màu tươi
Trời thơ bát ngát yên vui
Khách du còn nhớ muôn đời
Cây lả lơi, hoa nghiêng vành môi
Làn mây đắm gió êm trôi
Núi sông gieo tình trăm lối
- Hồ Đình Phương / Hoàng Trọng
Các màu chính yếu để diễn tả được hương sắc và vẻ đẹp của Đà Lạt có thể kể là màu xanh, màu đỏ, màu tím, màu vàng và màu hồng.
Màu xanh:
Đà Lạt là một vùng không gian xanh, là một thành phố với nhiều phong cảnh đẹp nhờ sự phối hợp hài hòa của các màu xanh: Bầu trời cao xanh trong của miền cao nguyên pha với màu xanh dịu mát của mặt nước hồ, suối, sông; Màu của những thảm cỏ xanh rờn qua màu xanh mơn mởn của những luống rau thẳng tắp; Màu xanh biếc tươi tắn, gần gũi của các vườn cây đến màu xanh thẫm êm đềm của các rừng thông bạt ngàn, xa xa trên đỉnh đồi...
Màu xanh tạo ra cảm giác tươi mát, thoải mái và yên lành cho con người. Màu xanh cũng là màu phổ biến nhất trong thiên nhiên, vì nó tượng trưng cho thiên nhiên, cho môi trường sống, nói cách khác, nó tượng trưng cho sự sống và sức sống. Riêng màu xanh lục là màu của thực vật.
Khó kiếm được thành phố nào xanh như Đà Lạt của tôi
Ngay không khí cũng xanh như da trời cây cỏ
Đâu chỉ đồi thông biết san sẻ màu xanh cho ngọn gió
Những giọt nắng vàng nhuộm xanh cùng mặt nước Xuân Hương
- Phi sưu tầm
Màu xanh của rừng thông là nền chính cho mọi phong cảnh của thành phố, mọi công trình kiến trúc... Rừng thông nối tiếp rừng thông, tạo nên những đồi núi chập chùng, trùng điệp, trải rộng hơn mười ngàn hecta, chiếm hơn 1/3 diện tích cao nguyên Lâm Viên. Đà Lạt được hình thành giữa rừng thông, là thành phố của ngàn thông.
Thông hiện diện khắp mọi nơi ở Đà Lạt: Thông phủ kín trên đồi cao, thông mượt mà dưới lũng thấp, thông che mát hai bên đường phố, thông soi bóng mặt hồ, thông điểm trang dinh thự và thánh đường, thông ôm ấp đình chùa và những nếp nhà... Thông trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái à Những cây thông thanh thanh, cao cao, thẳng vút lên trời, với những tàn lá kim dàn mỏng như hình nón thưa!
Thông với thơ là một
Trong núi thơ có đồi thông
Trong đồi thông có núi thơ
Núi thơ là đồi thông
Đồi thông là núi thơ
- Nguyễn Đức Sơn
Cao nguyên Lâm Viên có ba loại thông: thông hai lá, thông ba lá và thông năm lá, dựa theo số lá hình kim mọc trên một đầu cành ngắn của nó.
Thông hai lá: pinus merkusii (thông nhựa, thông ta à) phổ biến ở miền Bắc, miền Trung hơn là ở Đà Lạt, chủ yếu để lấy nhựa thông.
Thông ba lá: Pinus kesiya, ưa sáng, không chịu được nhiệt độ cao, 90% diện tích thông ba lá ở Việt Nam nằm ở cao nguyên Lâm Viên, là nguyên liệu sản xuất bột giấy, dùng trong ngành xây dựng, đóng đồ dùng trong nhà.
Thông năm lá: Pinus dalatensis, chỉ tìm thấy duy nhất ở Đà Lạt, còn được gọi là thông đà lạt, là loại cho gỗ.
Thông xanh, thông xanh, thông xanh
Ngỡ như biển biếc hóa thành rừng thông
Gió đưa mây trắng lượn vòng
Đồi xanh nét sóng vỗ cong diềm trời
- Phi Tuyết Ba
Ngoài các giá trị đáng kể trong lâm nghiệp, trong công nghiệp sản xuất giấy, chế biến gỗ, keo nhựa thông, tinh chế dầu thông … Vai trò quan trọng bậc nhất của rừng thông là điều hòa khí hậu, làm cho thời tiết nơi đây quân bình, không bị thay đổi nhiều: Thông là hơi thở muôn đời của Đà Lạt - Thông lọc sạch môi trường, giảm thiểu ảnh hưởng khó chịu của tiếng động, bảo vệ bầu khí quyển... Rừng thông quần tụ ngút ngàn ngăn chận giông tố mùa hè, mưa nguồn, gió lốc... Những cánh rừng thông thơm mùi térébentine nhè nhẹ, thoang thoảng nhưng tràn dâng trong không khí làm con người sảng khoái, thoải mái.
Bao tuổi rồi mà cứ mãi xanh
Những cây thông nơi cao nguyên Đà Lạt
Kiêu hãnh trước bão táp, mưa sa
Vi vút bài ca bất tận
- Mạnh Tấn
Rừng thông Đà Lạt có nhiều tầng cây giao nhau, nhưng chúng không làm âm u khu rừng như những cây nhiệt đới khác, ánh sáng mặt trời vẫn dễ dàng xuyên qua kẽ lá, cành cây, chiếu xuống mặt đất. Nắng vẫn lan tràn, nhưng qua tàn thông đã dịu hẳn đi, không còn gay gắt, chỉ vừa đủ sáng, đủ thoáng mát và đủ làm khô thảm lá rụng êm ái dưới chân. Trên đám lá thông rụng, còn có những trái thông màu nâu xinh xắn lác đác rơi. Người ta lượm chúng về phơi cho thật khô, quét vernie để làm đồ trang trí.
Đà Lạt ta về tìm trái thông
Tìm thông chợt thấy má em hồng!
Má em hồng quá thông không rụng
Rụng xuống hồn ta chút gió dông
- Thanh Trắc Nguyễn Văn
Tiếng trái thông rụng lộp độp bất ngờ nghe cũng vui tai, nhưng âm thanh đặc biệt nhất của rừng thông phải là tiếng thông reo. Những cơn gió thổi trên đồi thông, qua muôn ngọn thông, tiếng lá thông reo hòa điệu nhịp nhàng với gió, vọng từ xa cho đến khi lại gần, muôn tiếng một lần, trùng trùng điệp điệp, giống như một trận mưa rì rào êm ái đang chạy tới, là một bản đồng ca không bao giờ dứt. Tiếng thông reo là một tặng vật của tạo hóa giành cho con người!
"Tiếng thông reo đã hỗ trợ cho những lời tỏ tình vụng dại, phấn thông vàng đã mang tải hạnh phúc cũng như khổ đau của những đôi tình nhân, rải rắc khắp ngọn đồi xanh lá bốn mùa" (Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền).
Có trái thông vờ rơi thảng thốt
Mộng mơ Đà Lạt khẽ tan rồi
Anh loa tay gọi em...
Im ắng
May núi đồi thương
Vọng tiếng: ơi!
- Trương Nam Hương
Kẻ sỹ từ ngàn xưa đã yêu quý và coi trọng thông, họ khao khát về một kiếp sinh tồn trường cửu và vượt thoát hệ lụy nhân thế. Thế cây mọc thẳng đứng giống như một khẳng định về cách sống của thông vậy!
"Không hiểu Nguyễn Công Trứ khi đã qua bao nhiêu ô trược cuộc đời, để mong ước " Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo ", là ông ước được khí phách an nhiên như bản chất của thông, là suốt đời gìn giữ cái phẩm chất thiên phú của loài nghệ sỹ hay là mong được hóa thành cái đẹp dịu dàng mà dũng mãnh của thông. Một chữ "reo” như cuồng phong sống hoài thứ ánh sáng thông tuệ toát ta từ tâm hồn của một kẻ sỹ tài hoa... Khắc khoải nỗi buồn vui cuộc đời, đứng ngàn năm bên triền vắng, mang trên hai vai đôi vầng nhật nguyệt thênh thang"- (Nguyễn Xuân Hoàng)
Thông, bản bi hùng ca muôn thuở
Người chọn cây, nào khác gì chọn gióBốn phương không che mưa bão vốn đời
Tiếng đất trời hay tiếng lòng ai...
...Người chọn cây, nào khác gì chọn đứng
Dưới thanh thiên, mây gió với trăng ngần
Thông ngẩng mặt không tàn che ẩn bóng
- Trần Hạ Tháp
Đến mùa thông chín, nhụy thông lẫn sắc vàng trong nắng và trong không khí, để nhẹ tuông bay xuống, hay viễn du cùng gió rắc vàng khắp nơi...
Màu đỏ:
Thông thường màu xanh và màu đỏ là hai màu tương phản nhau, nên cái nóng của màu đỏ sẽ nổi bật lên trên cái lạnh của màu xanh, khi chúng được đặt gần nhau. Nhờ vào yếu tố này, nếu ta đứng trên cao nhìn xuống trung tâm thành phố, để ngắm toàn bộ phong cảnh Đà Lạt, thì những mái ngói nhà màu đỏ của những ngôi biệt thự trải dài xuống thung lũng, thấp thoáng trong rừng thông, sẽ nổi bật lên trên màu xanh thẫm của rừng thông nối tiếp nhau, trông giống như những đóa hoa đỏ ẩn mình trong những thảm cỏ xanh rì uốn lượn chập chùng theo địa hình của vùng cao nguyên này vậy!
Trên vạt cỏ xưa ta hò hẹn
Những ngôi nhà mái đỏ chen nhau
...Trên vạt cỏ xưa ta hò hẹn
Chỉ một chỗ ngồi lạnh lớp lá thông khô
- La Văn Tuân
Hoa màu đỏ ở Đà Lạt thì rất nhiều: trạng nguyên (poinsettia), glaieul, hoa giấy, hoa hồng đỏ đủ sắc ... Nhưng màu đỏ chính yếu của Đà Lạt là màu đất đỏ basalt. Đất basalt tạo nên do sự bào mòn của khí hậu, thời tiết theo thời gian trên đá basalt (đá huyền vũ), có màu xám hay đen, là một loại đá magma (đá hỏa thành), hình thành do các magma phun, trào ra ngoài miệng núi lửa rồi nguội đi dần dần. Đá basalt có chứa chất sắt, vì vậy, khi bị hủy hoại, tùy theo số lượng ít nhiều của oxit sắt, mà đất basalt ở các vùng khác nhau sẽ có màu đỏ, nâu đỏ hay đỏ vàng.
Đất basalt Đà Lạt có màu đỏ nâu đậm, tơi xốp, phì nhiêu, thích hợp cho các loại cây công nghiệp lâu năm của vùng nhiệt đới như: cà phê, cao su, ca cao, hồ tiêu và
Khói hồ biếc Xuân Hương nồng nàn mà tĩnh lặng
Dính hồn ta hơn nhựa đất ba danTay ta xòe ngang ngọn LangBian
Xinh đẹp hỡi, sao em im tiếng thế
- Trần Nhuận Minh
Màu tím:
Sương mù ở Đà Lạt có khi mỏng như khói, có khi dày như những cụm mây thấp, làm bầu trời như cũng thấp xuống. Nhất là vào các tháng cuối năm, cả thành phố chìm trong sương.
Vào buổi sáng, sương bàng bạc trắng đục trong không khí se lạnh. Mặt trời lên cao mà thành phố còn như chưa tỉnh giấc. Chỉ mới giữa trưa sương đã như một màn khói mỏng, lơ lửng trên các ngọn thông, làm mọi vật trở nên hư ảo. Để khi chiều tới, sương lại phủ khắp cây cỏ, hoa lá, núi đồi, thác hồ... Sương che mờ những con đường uốn khúc quanh co thung lũng, những ngôi nhà thấp cao trên triền dốc, những cột đèn hiu hắt... Sương bao trùm mọi vật và mọi người. Vào lúc này, mặt trời cũng từ từ khuất sau rặng núi phía Tây. Sắc nắng ở giữa màu vàng héo và đỏ tươi, nhuộm cả không gian, rồi màu tím thật sự xuất hiện!
Màu tím được tạo thành do sự phối hợp giữa màu xanh lạnh và mạnh mẽ của bầu trời, của sông nước với màu đỏ nóng và cuốn hút của ráng chiều. Sắc tím lan dần dần để màn sương mù giăng trên triền đồi cao cũng bất chợt chuyển sang màu tím, rồi bóng đêm lặng lẽ len vào hoàng hôn.
Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ
Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ
Từng đôi đi trên phố vắng
Bước chân em giữa không gian, hoàng hôn thua màn đêm
- Minh Kỳ- Dạ Cầm
Không gian Đà Lạt bồng bềnh như thực như ảo trong màn sương lam tím - " Ở đây sương tím như hoa tím " (Trương Nam Hương); Những cánh hoa tím cũng đang hòa sắc của riêng mình vào đất trời chạng vạng sáng tối. Đó là màu tím quen thuộc của hoa sim, hoa mua, hoa cà, hoa cúc ... Đó là màu tím ngan ngát của các đóa hoa du nhập từ trời Tây, vào đầu thế kỷ hai mươi, đã thích nghi để trổ thêm hương sắc cho vùng cao nguyên đất lạnh này, cùng lúc với nguồn thi ca lãng mạn của Pháp truyền vào Việt Nam, theo phong trào Tiểu Thuyết và Thơ Mới. Đó là các hoa violette (violet, hoa chuông tím, Viola Odorata), hoa pensée (pansy, hoa tương tư, tử la, Viola Tricolor Linn), forget me not (hoa lưu ly, Myosotis Scorpioides)... Và gần đây là hoa phượng tím (Jacaranda Acutifolia).
Đà Lạt mùa này gió núi mưa hoang
Hoa phượng tím đã lui vào ký ức Tím biếc lòng mỗi buổi hoàng hôn
Anh đi bên em chỉ dám nhìn lặng lẽ
Mối tình đầu bao giờ cũng thế
Chỉ ánh mắt thôi cũng đủ thay lờ
i- Đoàn Lê Phương
Sương mù hòa lẫn với sắc hoa, nhuộm tím một không gian bát ngát, mở ra một màu thời gian hun hút, gợi lên nỗi lòng của biết bao nhiêu người. " Màu thời gian tím ngát " (Đoàn Phú Tứ) Ôi! Màu tím của mộng mơ, màu tím của lãng mạn và màu tím của tình yêu!
Màu vàng:
Nắng vàng khắp nơi nơi! Màu nắng vàng nhẹ, trong suốt, rải đều trên vạn vật: tàn thông, hoa cỏ, thung lũng, triền dồi, mái nhà … Nắng càng trưa càng vàng, càng tươi. Đi dưới nắng vàng này, ta không cảm thấy nóng, chỉ cảm thấy cái lạnh se se. Nắng thì vẫn nắng mà cái lạnh cứ thấm vào người. Đây là điều kỳ lạ của thiên nhiên vùng cao nguyên sương mù Đà Lạt lúc lập đông, gọi là nắng lạnh!
Nắng cao nguyên, vàng, rực rỡ, nên thơ
Ớ buổi sáng, một mùa đông Đà Lạt
… Tấm lụa vàng, màu nắng long lanh
Trải rất nhẹ như choàng vai vạn vật
- Yên Sơn
Ta đọc hai đoạn văn của hai tác giả người Đà Lạt, nói về cái nắng đặc biệt Đà Lạt ở xứ sở này:
- " Nắng thường nóng, còn ở Đà Lạt thì nắng lại lạnh, hai sự nóng lạnh không còn ở thể lưỡng nghi mà trở thành nhất thể. Con người sống trong nhất thể sẽ cảm nhận được sự bình yên. Tôi đi khắp nơi, nhưng cứ luôn mong khao khát, phải trở về Đà Lạt, có một ma lực kỳ diệu lắm. Và rồi, tôi hiểu ra ma lực ấy là … nắng lạnh." (MPK)
- "Khi mặt trời chưa hiện diện, sương mù ken kín đất trời... Đến lúc mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên báo hiệu một bình minh mới của ngày, sương mù hòa tan vào hạt nắng của trời cao... Nắng trên cao ôm tròn trong lòng nó những hạt sương lạnh nên nắng vì thế được gọi là nắng lạnh. Và, khi chiều sang, những hạt sương li ti tách khỏi tia nắng ấm áp để tụ thành từng chùm, từng cụm đan vào nhau, ken vào nhau làm thành biển sương giăng kín đất trời. Sương vì thế mà chứa trong lòng nó sự ấm áp của ánh ngày. " - (Khắc Dũng)
Cạn rồi những cơn mưa tháng chín
Đà Lạt càng xanh, nắng lạnh quãng chiều
- Trần Xuân An
Màu nắng vàng ở Đà Lạt trong những ngày mùa đông mà sớm sương mù trưa nắng lạnh này, lại càng vàng thêm, nhờ sắc vàng mênh mông, hoang dại của những đóa dã quỳ, nổi bật trên khắp lối đi màu đỏ đất basalt, trên những ngọn đồi loang lổ xám đen của đá huyền vũ à
Dã quỳ (Tithonia Diversifolia), họ cúc, có nguồn gốc từ Trung Mỹ, do người Pháp đưa về trồng đầu tiên ở các đồn điền để làm phân xanh cho cao su, cà phê ... Nhờ hạt dễ phát tán, dễ mọc, cây thích nghi dễ dàng với các điều kiện khí hậu, cho dù khắc nghiệt đến đâu, nên dã quỳ đã tồn tại mọi chốn ở Tây Nguyên. Khi dã quỳ nở hoa là mùa nắng khô bắt đầu! Càng khô, càng nắng, càng lạnh, càng gió thì dã quỳ càng vàng! Hoa mọc khắp nơi: Từ chút đất ven bờ suối đến vạt cỏ khô cằn nơi bìa rừng; Trên những đỉnh cao hun hút gió; Dưới những vực sâu thăm thẳm; Dọc theo những triền đồi; Thoai thoải vào thung lũng...
Một hôm thấy nắng vàng quen quá
Quen như là ngày xưaMột hôm thấy nắng vàng đâu đó
Một hôm thấy nắng vàng trải dọc ven đường.
Ôi! Chỉ là dã quỳ một ngày thu hết nắng.
Lộng lẫy niềm nhớ thương
- Đỗ Trung Quân
Đã muôn muôn, vạn vạn lần khô hạn làm dã quỳ úa tàn, nhưng đến đúng thời điểm: Một nhánh bén rễ; Một cành hoa mọc lên; Một bụi hoa vượt lên; Một vạt hoa rồi một dải hoa bật lên, trỗi dậy như "đến hẹn lại lên ” với lời thề nguyền muôn kiếp không phai giữa phố núi và hoa quỳ dại vàng. Nhưng vùng đất lạnh Đà Lạt còn có một loại hoa màu vàng rực rỡ, không địa phương nào có, tạo nên một sắc thái riêng biệt cho nó là hoa mimosa!
Thành phố vàng hoa quỳ nở
Vẫn còn một chút hoang vu
Thành phố hiền như hơi thở
Mimosa hé môi cười
- La Văn Tuân
Mimosa (Acacia Podalyriaefolia) phân họ mimosoideae, họ Đậu ( Fabaceae) là cây thân gỗ nhỏ, thẳng, cao từ 3 - 6 m, nguồn gốc từ Úc châu, du nhập vào Đà Lạt cuối thế kỷ 19. Cây có nhiều tên gọi: Keo lá tròn (Vì cây là một giống cây keo, có lá đơn ngắn, nhỏ, hình bầu dục); Trinh nữ hoa vàng (hoa hình cầu, màu vàng, có hàng trăm tia cánh nhỏ li ti như sợi chỉ, giống hoa trinh nữ); Cây lá bạc hoa vàng (lá màu xanh, mặt dưới phủ phấn mốc trắng, lóng lánh ánh bạc dưới nắng) hay cây giọt nắng.
Hoa mimosa nở thành từng chùm, có rất nhiều chùm trên một cành. Có lúc cây chỉ toàn một màu hoa vàng, gần như không có lá. Hoa có mùi thơm ngai ngái, nở hai, ba lần một năm, nhưng thường rộ vào mùa nắng. Sắc vàng ươm của hoa mimosa từ khi nở chuyển sang vàng chín cho đến khi tàn, không bị vàng úa, gần như không bị thay đổi, phai nhạt.
Đà Lạt nắng rồi Đà Lạt mưa
ngày vui qua mau
nỗi buồn còn lưa
mimosa vàng trong chiều bất tuyệt
- Cao Quảng Văn
Màu hồng:
Thông thường, vào cuối năm cũ, đầu năm mới dương lịch, khi các tầng khí lạnh tràn về dồn dập, Đà Lạt lạnh hơn bao giờ hết. Bầu trời vẫn xanh, nước hồ vẫn xanh, nắng lạnh vẫn vàng, sương chiều vẫn tím... nhưng sắc vàng của mùa hoa dã quỳ đã đi qua, để sắc hồng của hoa đào bắt đầu lác đác, điểm thêm màu hồng cho xứ sở hoa đào này.
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
...Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai
- Hoàng Nguyên
Nhờ vào thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, đất Đà Lạt trồng được nhiều loại hoa đào khác nhau, đặc biệt nhất là loài mai anh đào (Prunus Cesacoides), nguồn gốc từ Nhật Bản, do người Pháp đưa về gây giống từ năm 1927. Cây cao trung bình 5 - 7m, cành thưa, phân nhánh vừa phải. Lá đơn nhỏ, mọc cách nhau, có răng cưa. Trái màu tím đỏ, chín vào tháng 3, 4. Đến mùa thu thì rụng hết lá, chỉ còn cành khẳng khiu, để đầu mùa xuân lại ra hoa.
Lưu luyến Đà Lạt thơ
Khi hoa anh đào nở đường lên phố xưa
- Minh Kỳ / Dạ Cầm
Hoa mai anh đào có năm cánh đơn giống như hoa mai (chi Cerasus), màu hồng nhạt như hoa anh đào Nhật Bản (Sakura, Somei Yoshino, Prunus Pseudocerasus). Hoa chỉ đẹp khi nở thành từng chùm trên cành cây. Các cây mai anh đào ít khi nào nở hoa đồng loạt: Khi những cây ở con đường vòng quanh hồ Xuân Hương đã rộ rồi một sắc xuân hồng thắm, thì những rừng mai anh đào ở thung lũng Prenn, vùng Trại Mát, khu Suối Vàng, vào Tà Nung... đến chân núi Lang Bian còn chưa ra hết nụ.
Tết tha hương … nhớ mùa xuân Đà Lạt
Lòng bâng khuâng thương người cũ năm nào
Tình tưởng phai theo ngàn cánh anh đào
Bỗng giây phút lại thắm hồng nỗi nhớ
- Nhất Tuấn
Màu hồng tươi thắm của hàng triệu cánh hoa đào dần dà bừng nở, nở cho đến lúc không còn nở thêm được nữa, như các mỹ nhân đã khoe hết sắc đẹp của họ. Câu thơ của Thôi Hộ ngày xưa: " Nhân diện đào hoa tương ánh hồng " sao hợp cảnh, hợp tình với mùa xuân Đà Lạt và con người ở miền đất này quá! Mặt người và hoa đào chiếu lẫn nhau dưới ánh nắng nồng nàn. Má và môi người cùng hồng thắm một màu hoa đào nở!
Ngày nào đường xuân phơi phới
Khách ngất ngây thấy hoa nở trên má ai… Màu hoa in trên má
Làm khách lưu luyến mãi Đà Lạt ơi!
- Hoàng Nguyên
"Con gái Dalat tuy ít người xuất sắc nhưng ai nấy đều xinh xắn với nước da trắng hồng, mái tóc đen dày óng mượt. Tất cả đều vô tư, hồn nhiên và hiền lành" - (Khánh Ly)
Khí hậu Đà Lạt trong lành, mát mẻ, ảnh hưởng đến thể chất con người, thiếu nữ và trẻ em có môi đỏ, má hây hây hồng, nhất là vào thời tiết sương giá giữa mùa hoa mai anh đào: Một màu hồng trẻ trung, tươi tắn, khỏe mạnh mà son phấn không thể nào tạo ra được
Anh biết rồi em vì sao má đỏ
Có phải những chiều Đà Lạt kín mùa đông
Em gom hết vô lòng những ta nắng nhỏ
Đà Lạt lạnh muôn năm cho môi má em hồng
- sưu tầm
"Đà Lạt đẹp lung linh! Buổi sáng thức dậy, một giọt nắng "đi lạc" vào giường nằm cũng đã thành thơ, thành nhạc, thành họa rồi!"- (Lê Hoài Lương)
Đồi dốc Đà Lạt, thác hồ Đà Lạt, sương mù Đà Lạt, hoa lá Đà Lạt à Đà Lạt hừng đông, Đà Lạt ban mai, Đà Lạt chiều tà, Đà Lạt về đêm à Vẻ đẹp tự nhiên của Đà Lạt trong từng khắc, trong một ngày, trong từng mùa, trong một năm... đều là đề tài vô hạn của biết bao tác phẩm văn chương, thi phú, ca nhạc, hội họa, nhiếp ảnh..."Tức cảnh sinh tình", đứng trước các sắc và màu mà không ai có thể mô tả cho hết được vẻ đẹp của Đà Lạt, tự dưng tâm hồn con người dâng tràn cảm xúc, ghi lại bằng câu văn, bằng ý thơ, bằng lời nhạc, bằng nét cọ, bằng hình ảnh à Thật không sai khi người ta gọi Đà Lạt là thành phố của thi ca, thành phố của nghệ thuật.
Đà Lạt ơi, bao nhiêu lời ca
nào ca hết ý nên thơ
hết khung trời đã tôn thờ!
- Hồ Đình Phương / Hoàng Trọng
Quán cà phê Tùng buổi tối
Đường về hãy còn xa
Trầm bổng dốc dài em đưa tôi qua
Như giọng Huế đặc trưng Đà Lạt!
- Bùi Phan Thảo
Và cũng vào những ngày xưa đó, ngoài những dịp lễ Giáng sinh hay những ngày gần Tết, phố xá Đà Lạt cũng tưng bừng, náo nhiệt không kém trong những ngày lễ gắn Alpha cho tân khóa sinh để trở thành sinh viên sỹ quan thực thụ, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp (thường tổ chức vào ban đêm ở vũ đình trường) hay những đêm dạ vũ mãn khóa của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt trước năm 1975.
Những hình ảnh đẹp, chất chứa nhiều kỷ niệm của những mối tình đẹp của Đà Lạt một thời là hình ảnh những thiếu nữ má đỏ, môi hồng tự nhiên, giấu mình trong những chiếc áo lạnh nhiều màu sắc (màu xanh dương là đồng phục của trường nữ trung học Bùi Thị Xuân), e ấp tay trong tay với người yêu, họ là " những chàng trai mới xếp bút nghiên theo việc binh đao. Tuổi trẻ coi thường mọi sự cho nên tuổi trẻ rất dễ trở nên anh hùng, anh hùng cá nhân, anh hùng với đồng phái và nhất là anh hùng với người khác phái. Đeo alpha đỏ trên vai, quần áo thẳng nếp, cử chỉ đường hoàng, đẹp trai, còn trẻ, thường dạo phố với giai nhân "- (Đông Anh)
Trường Võ Bị! Lối Nam Thiên lồng lộng
Những chàng trai nước Việt oai phong
Áo vàng ka-ki!
Hiên ngang dòng máu anh hùng
Vai chất nặng!
gánh tương lai sông núiĐây "Thung Lũng Tình Yêu”, gió đưa chiều vào tối
Sương nhạt nhòa! Mây từng áng lê thê
Đôi tình nhân quấn quít dẫn nhau về
Lời Thệ Hải Kim Sơn còn vương vấn
Hồ Than Thở! Vang âm lời tình hận
Rừng Ái Ân còn nguyên nét ngây thơ
Thác Cam Ly! Dòng nước cuốn hững hờ
Đường vào Pren! Thâm u niềm tâm sự
Chợ Hòa Bình! Đây công trường viễn xứ
Ta tìm nhau chiều lộng gió năm nao
- Hải Hồ
Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, rừng Ái Ân, thác Cam Ly, đồi thông Hai Mộ... là những địa danh thiên nhiên kỳ thú trữ tình, đã gắn liền với những huyền thoại tình yêu, làm cho Đà Lạt trở thành một vùng đất của xao xuyến, bồi hồi, một nơi để mộng mơ phát triển, để lãng mạn thấm vào tâm hồn. Đà Lạt mộng mơ có lẽ vì vậy!
” Thành phố như bồng bềnh giữa một màn sương khói mờ ảo khiến lòng người e sợ tình mình cũng bềnh bồng, nổi trôi... Đồi núi mờ sương được điểm trang thêm bằng những rừng thông thơ mộng, tiếng thông rì rào quanh năm như tiếng thầm thì của đôi kẻ yêu nhau. Từ đồi núi cao bước chân người tình thả dốc xuống vũng thấp thoai thoải, xuống "Thung Lũng Tình Yêu ”, xuống "Thung Lũng Hồng ”. Từ thung lũng băng ngang qua các cánh rừng, có rừng mang tên là "Rừng Ái Ân ”, rồi sánh vai trở ngược về những con đường vắng quanh co ven hồ, "Hồ Than Thở”, "Hồ Xuân Hương ” -(Tâm Minh Ngô Tằng Giao)
Có phải yêu không, Đà Lạt ơi ?
Phố xanh xao chiều ru chân bỡ ngỡ
Một dáng quen quen cũng gợi buồnTa ngẩn ngơ đi tìm tên hoa cỏ
Gom nỗi niềm gửi hết những chiều thông
Lòng ta bỗng chốc thành thi sĩ
Có phải ta không, Đà Lạt ơi ?
- Khánh Chi
Đà Lạt là xứ sở của những tuần trăng mật, là nơi chốn lý tưởng mà những người yêu nhau tìm đến để có những giây phút nên thơ bên nhau - Thành phố tình yêu Đà Lạt được tạo nên nhờ vào hai yếu tố chính: điều kiện khí hậu và địa hình thiên nhiên.
Đà Lạt: "Cái xứ sở có một khí hậu kỳ quái mang mang làm khắng khít tình yêu và làm xót xa những tâm hồn đơn lẻ" - (Song Thao)
Nhờ khí hậu dễ chịu, mát lạnh quanh năm, làm cho người gần với người hơn, và " những kẻ yêu nhau quấn quýt trong men tình nồng ấm giữa trời giá lạnh ". Người trẻ tuổi Đà Lạt thường chịu khó "khoác áo lạnh xuống phố, tìm gặp bạn bè để... sưởi ấm lòng nhau ".(Trai gái Đà Lạt ngày trước nổi tiếng chưng diện đẹp đẽ với áo khoác ngoài, khăn quàng quấn cổ, giày cao ống …) Nam thanh, nữ tú rồi sẽ có lúc tương ngộ, do một sự tình cờ nào đó, và những chuyện tình cứ vậy nảy sinh!
Đà Lạt góc phố nào cũng lạnh
Nên người ta thích được gần nhau
Tôi nắm tay mình co ro khách lạ
Leo dốc tình yêu hòng thở dốc với mình
- Nguyễn Thanh Xuân
Với dịa hình lũng thấp, đồi cao nhấp nhô đặc biệt của cao nguyên Lâm Viên, phố Đà Lạt là " phố dốc theo đồi ". Bởi đồi dốc quanh co, chập chùng nên những con đường ở Đà Lạt không bao giờ thẳng tắp. chúng thường nhỏ, uốn khúc, bọc vòng và ngoằn ngoèo đi vào những hẻm phố - Đó là con đường làng hoa Đà Lạt một thời vang bóng. Đó là con đường mà thông sừng sững hai bên đường, vi vu quanh năm, từ hồ Than Thở đến trường Võ Bị. Đó là con đường nằm cạnh những cánh rừng thông nhỏ trong phố như bên sườn đồi đường Bùi Thị Xuân, đường Hải Thượng Lãn Ông ... Đó là con đường vòng quanh hồ Xuân Hương, khúc bọc đồi Cù, tính từ Đinh Tiên Hoàng chạy xuống, mát mẻ và yên lành, đến mùa rực hồng màu hoa mai anh đào. Đó là con đường Trần Hưng Đạo uốn khúc, một bên đồi, một bên hồ, từ đây có thể ngắm toàn cảnh trung tâm thành phố. Đó là con đường Võ Tánh với rất nhiều trường học: Tiểu Học Võ Tánh, Bồ Đề, Bùi Thị Xuân trước khi đến viện Đại Học Đà Lạt.
Con đường ấy có thể ngắn nhưng rất đẹp như đường đi vào Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế (nay là Phân viện Sinh Học Đà Lạt). Con đường ấy có thể dài, đi qua toàn bộ 99 cao điểm của Đà Lạt như đường vòng ngoạn cảnh Lâm Viên (cũng là đường vành đai săn bắn ngày trước). Con đường ấy có thể chỉ được biết đến trong giới sinh viên, là những đường nhỏ chạy trong viện Đại Học Đà Lạt...
Đà Lạt lạnh môi em vừa đủ ấm
Đời chia ly nên đẹp chuyện tương phùng
Con dốc nhỏ hoa anh đào lấm tấm
Lối sỏi mòn hai đứa đã đi chung
- Hà Huyền Chi / Trần Thiện Thanh
Trong không gian như mơ của Đà Lạt, những con dốc lượn sóng chạy dọc khắp thành phố và chạy ngang qua đời người với những kỷ niệm khó phai. Ôi! Những con dốc tình, những con dốc mơ để những kẻ yêu nhau phải thở dốc khi cùng nhau leo dốc! Và con đường nào cũng là con đường của hẹn hò, của kỷ niệm, của từng đôi từng lứa yêu nhau. Những con đường mà tay ta trong tay người, những con đường mà sỏi đá lao xao dưới những bước chân đi tìm những bước chân quen, những con đường mà bóng nắng hay ánh trăng trải dài trên mặt đường, trải dài theo cuộc tình.
Con phố nhỏ lượn quanh về một ngỏ
Đường nhấp nhô, đồi núi cũng nhấp nhô
Qua Xuân Hương rồi tạt về Than Thở
Đi một ngày chưa hết được xứ mơ
Em có lên đồi Cù không hở nhỏ
Nhớ hái thật nhiều những đóa mimosa
Rồi nhè nhẹ rải hoa vào trong gió
Sẽ thấy chiều Đà Lạt rất kiêu sa
- Sưu tầm
Nói về thành phố tình yêu Đà Lạt mà không nhắc đến đồi Cù là một thiếu sót lớn lao. Đồi Cù được ví như trái tim, như nhịp thở của Đà Lạt. Thật vậy, đồi Cù đã phần nào gắn liền với đời sống của người dân Đà Lạt trước giờ. Đồi Cù là nơi cho trẻ con chạy nhảy, chơi đùa thỏa thích: nào là thả diều, bắt dế, chọi cỏ, cắm trại … Đồi Cù là nơi cho người lớn ngồi đọc sách trên thảm cỏ, hay nằm dài dưới gốc thông ngắm trời mây, tư lự về cuộc đời. Đồi Cù còn là nơi hò hẹn, tình tự, dạo chơi trong nắng và trong gió của những người yêu nhau.
"Đồi Cù gồm ba ngọn đồi thoai thoải, dọc theo hồ Xuân Hương, ngay trung tâm thành phố, cùng với hồ Xuân Hương làm nên ba phần tư vẻ đẹp của xứ hoa đào. Thảm cỏ trên đồi thông, không, đồi thông trên thảm cỏ. Thông rải rác, vừa đủ cho thảm cỏ thêm dịu dàng. Xanh mượt mà, không, xanh phớt tím đến nao lòng … Những đàn bò và ngựa lang thang. Được thôi, lẽ nào bò và ngựa không được lang thang trên đồi cỏ. Chúng cũng được quyền tự. do như những cặp tình nhân, khao khát một thảm cỏ và một bóng mát cho cuộc tình"- (Tiêu Dao Bảo Cự)
Ở đây, đúng nơi đây, trên đồi Cù
Em đã nằm, đã vui đùa, lăn trở
Và một loài cỏ rất lạ
Vui đùa cùng em
Cười vỡ ngực
Tôi trở lại nơi này, đúng nơi này, trên đồi Cù
Tìm dấu vết chân xưa
Nào có chi thay đổi
Duy chỉ loài cỏ ấy
Bây giờ
Chẳng ai tìm thấy
- Nguyễn Đạt
Thảm cỏ tự do của đồi Cù ngày xưa là loài cỏ tự nhiên lá rộng, có vị ngọt, đổi màu theo hai mùa mưa nắng, xen lẫn với cỏ may phớt tím. Đồi Cù ngày nay đã đổi khác, nên cỏ ngày nay cũng khác. Cỏ bây giờ là loại cỏ mềm, láng mướt rất nhân tạo, được nhập cảng từ Nhật Bản, Đài Loan... được chăm sóc kỹ lưỡng, trông như trang vẽ, đồng thời với việc trồng thêm cây, đào thêm hồ, rào giậu kín bưng để đồi Cù trở thành một sân golf quy mô, hiện đại. Đúng ra đồi Cù ngày xưa được thiết kế là một sân golf chín lỗ. Từ năm 1993, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã cho một công ty ngoại quốc thuê đồi Cù để được biến thành một sân golf mười tám lỗ, là nơi giải trí dành riêng cho giới nhà giàu trong và ngoài nước.
Người dân Đà Lạt không còn được tự do ra vào đồi Cù, chỉ có thể đứng ngoài nhìn thấy thấp thoáng. Đồi Cù đã bị cách ly hoàn toàn với hàng triệu người dân Đà Lạt. Người dân Đà Lạt đã bị mất đồi Cù, dù nó còn ở ngay trong lòng thành phố của mình.
Thì thôi cứ để cho người rào lại đồi Cù
ta em còn lại
một nụ hoa nở nhờ
ven hàng rào quán trọ
một con gà trên nóc chuông nhà thờ
quay quắt gọi bình minh
- Trần Thiên thị
Không chỉ mất một đồi Cù, Đà Lạt còn bị mất đi nhiều thứ khác nữa. Từ khí hậu ôn đới điều hòa,sương mù bảng lảng, rừng thông bạt ngàn, mùi hoa cỏ trong không gian … cho đến những biệt thự, những căn nhà gỗ tuyệt vời và ngay cả phong cách riêng của con người!
Ngay sau biến cố năm 1975, người Pháp thì hồi cư, phần lớn người dân thì tìm cách chạy trốn khỏi Đà Lạt, chỉ còn những người ở lại lam lũ, sống bám theo những mảnh vườn.
Hơn 2000 biệt thự được xây dựng từ trước bị biến thành nhà tập thể, nhà kho, cơ sở chăn nuôi, hợp tác xã sản xuất thủ công hay bị bỏ hoang để tất cả dần dần xuống dốc.
Khởi sự từ đầu những năm 80, hơn 20.000 người miền Bắc được chính quyền đưa vào Nam với chính sách di dân khống chế cao nguyên miền Trung đã tiên phong hủy hoại phong cảnh và thiên nhiên Đà Lạt. Những rừng thông bị đốn phá, những sườn đồi bị xẻ vạt để lấy đất cất nhà, lập vườn. Các nguồn nước bị ngăn chận khiến các hồ bị cạn khô. Ai cũng có thể bỏ vài ngày " lao động đi củi " đẵn cây, hay đào phá để tìm khoáng sản. Từ từ mất rừng thông bao quanh phủ kín đất, Đà Lạt trở thành trơ trụi, xói mòn vì mưa gió, giông tố và khí hậu ngày càng nóng bức.
Dân số Đà Lạt ngày nay đã gấp ba, gấp bốn lần với mật độ trước năm 75. Người tứ xứ đổ về " nhập cư " ngày càng nhiều, ngày càng đông làm cho đất đai ngày càng chật chội, phố phường ngày càng ngộp thở. Vỉa hè thành phố trở thành những nơi buôn bán xô bồ, bát nháo. Hình ảnh, tính cách đặc trưng của những người con Đà Lạt của thập niên 70 trở về trước dường như đã không còn bao nhiêu nữa !
Đà Lạt lặng thầm như hoa dại đứng ven đường
chứng kiến cảnh bể dâu
trải bao năm thanh sắc một màu
người Đà Lạt đầu đã bạc
- Duy Việt
Đến thời kỳ đổi mới, song song với việc các nhà đầu tư ngoại quốc (Đài Loan, Hongkong, Nhật Bản, Singapore...) đổ tiền vào Đà Lạt xây dựng, tu sửa các khách sạn, các nhà nghỉ mát để khai thác và phát triển về du lịch thì giới lãnh đạo địa phương với phương châm "tấc đất, tấc vàng "đã tùy tiện chiếm đất phân lô để bán, không cần biết sai trái, lại dễ dàng cho phép những cao ốc, những khu thương mại... mọc lên một cách hỗn độn, là những kiến trúc nặng phần thiết kế của từng tòa nhà, từng cơ sở không theo một trật tự nhất định, chỉ chủ ý về tiểu tiết mà không theo một quy hoạch cho trình tự toàn cảnh .
Tốc độ xây dựng tăng vọt, trung bình 500 căn nhà trong một năm: Nhà cửa đang dần dà nuốt sạch núi đồi! Diện mạo thành phố Đà Lạt bây giờ cũng giống như mọi thành phố lớn khác!
Đà Lạt
Cảnh đã khác
Người đã khác
Sương nhàn nhạt
Ngày ngột ngạt
Núi đồi khạc
Đường phố tạc
Hoa và rác
Đà Lạt nát
Người tạp nhạp
Về ngơ ngác
Đà Lạt …
- Lê Thánh Thư
"Người đã từng ở Đà Lạt thì bây giờ trở về không còn thấy Đà Lạt đẹp như ngày xưa nữa.
Đứng ở đập Đa Thiện nhìn xuống đồi thì sườn đồi đã bị cắt thành bao nhiêu bậc, như những vết chém khổng lồ vào thiên nhiên. Màu xanh của những thửa ruộng trồng rau vẫn còn như những nét đẹp xanh còn sót lại trước những cơn giông bão của khoảng thời gian ba mươi năm.
Một buổi sáng đi thuyền trên hồ, người đưa thuyền nhìn sương khói trên mặt hồ và kể Đà Lạt đã thay đổi biết bao nhiêu, đến cả thời tiết cũng không còn là thời tiết Đà Lạt ngày xưa vì cây cối đã bị đốn chặt quá nhiều.
Một buổi trưa, đứng trên đồi nhìn xuống thành phố Đà Lạt, những đồi thông xanh biếc như che chở những bí ẩn dưới rừng cây chập chùng huyền ảo ngày xưa bây giờ như những chiếc đồi trọc. Thiên nhiên Đà Lạt như một vết thương mở toang dưới ánh nắng dường như gay gắt hơn.
...Đà Lạt đi qua phố chợ. Đà Lạt buổi trưa ăn bữa cơm trưa trong rừng với những con thịt vừa săn. Đà Lạt đứng buồn chứng kiến cảnh Công An rượt đuổi những người bán hàng rong trước cửa khách sạn. Đà Lạt và tấm tranh thêu đẹp vượt tầm khung vải của những tranh thêu mỹ nghệ. Tấm tranh thêu XQ đẹp với linh hồn của một bức tranh vẽ.
...Những đóa hoa vàng rực trên nóc nhà thì nhiều lắm. Hoa vàng như thế mọc luông tuồng khắp nơi trên Đà Lạt, như một thứ thiên nhiên bị bỏ quên, như cái đẹp còn sót lại, như con người ta vẫn cứ sống và cười trước bao giông bão và khó khăn của đời sống."- (Trương Đình Trác)
Chưa hết phố đã hết đồi
Đâu tóc thông và mắt sương ký ức
Hương dậy thì chôn dưới móng bê tông?
Đành xẻ núi mà đi
Nhói đau trầm tích đỏ
Hết thông có còn cỏ
Hẹn khe kè, lẩy đá tìm xanh ?
Đừng bắt anh yêu em bằng hình bóng hôm qua
Mảng ngói nâu, bức tường đen cuối ngõ
Ô má hồng
Đừng khóc đám ma thong
- Trương Thái Du
" Nếu chức năng chủ yếu của Đà Lạt là một thành phố du lịch – nghỉ dưỡng, thì điều đầu tiên cần phải bảo tồn, nâng cấp chính là môi trường thiên nhiên và các thắng cảnh. Trong vài thập niên qua, Đà Lạt sở dĩ còn hấp dẫn được du khách là nhờ đã "ăn bám” vào thanh danh của ngày xưa, nhờ vào những hình tượng mà các văn nghệ sĩ lớn của Việt Nam đã ghi lại trong các tác phẩm của mình. Nếu vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt bị hủy hoại để thay vào đó là những khối bê-tông chồng chất trong các thung lũng hay trên các ngọn đồi, nếu du khách đến đây để nhìn thấy hồ Than Thở chỉ còn như một cái "ao nuôi vịt”, thác Cam Ly trở thành nơi chứa nước thải thì liệu các hình tượng văn học nghệ thuật "vang bóng một thời” ấy có cứu vãn nổi cái tiếng thơm của Đà Lạt hay chỉ đem lại cho khách phương xa cái cảm giác bị lừa dối và sự thất vọng khi nhìn thấy một thực tế hoàn toàn khác xa với truyền thuyết? "- (Mai Thái Lĩnh)
Đà Lạt lúc nào đó
gần như sương quanh nhà
Đà Lạt lúc nào đó
xa như ai xa ta
- Đoàn Thạch Biền
Đà Lạt mất đi những yếu tố quan trọng, những đặc tính chủ yếu để tạo nên cái đẹp, cái thơ, cái ý, cái hồn đã từng một thời được ca tụng. Sắc màu đặc biệt của Đà Lạt đã được tạo nên do sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiên nhiên (địa hình, phong cảnh, khí hậu …) và yếu tố nhân tạo (bố trí, sắp đặt những công trình kiến trúc), đã dần dần bị thoái hóa, mai một; Hay có thể nói khác đi là ở Đà Lạt ngày nay, rặt những thô kệch do bàn tay con người, thể hiện sự ăn xổi ở thì dã xâm lấn một cách bạo ngược, chi phối hoàn toàn thiên nhiên qua những cách thức lấn át, áp đặt, hủy hoại và tàn phá.
Những người thật sự yêu Đà Lạt đã nhìn thấy vấn đề, đặt ra nhiều câu hỏi hay những báo động cho tương lai xứ sở này như: " Một Đà Lạt thơ mộng còn hay mất ? ", " Đà Lạt di về đâu ? ”, "Khi người Đà Lạt nóng ", "Đà Lạt SOS ", "Ở Đà Lạt mà nhớ à Đà Lạt ", "Đà Lạt- Một thiên đường đánh mất "v.và. Nhìn thấy vấn đề là một chuyện, giải quyết được vấn đề lại là một chuyện khác, và vì vậy nó để lại trong lòng những người gắn bó với Đà Lạt một sự luyến tiếc và lo ngại
Xuân Phương