Đà Lạt : Một Thiên Đàng Đánh Mất
Vi Khuê - Chử Bá Anh
Lúc bấy
giờ nơi đây là một miền đất hoang vu vô cùng bí hiểm, chưa hề biết đến dấu chân
người. Núi non điệp điệp, thác lũ ào ào; gió, như hồn ma, rú lên từng hồi ghê rợn
giữa muôn trùng bát ngát. Cọp ngồi chồm hổm thở phì phò dưới rặng cây, rắn lê
la trườn mình trên cỏ dại, voi từng đàn nối đuôi nhau lầm lừ trong lặng im.
Hoang dã bao trùm cảnh vật. Một vài bộ lạc thiểu số đã dựng chòi dưới chân núi
xa xa, nhưng hình thù quái dị của thổ dân trần trụi đứng lom khom với trên vai
một cái gùi, chỉ càng tăng thêm vẻ man rợ đến rợn người.
Lúc bấy
giờ là vào thời khoảng 1890 - 1894 và nơi đây là miền rừng núi dọc dãy Trường
Sơn từ phía Bắc Nam Kỳ đến phía Nam Trung Kỳ và Hạ Lào.
Dãy Trường
Sơn đó, quê ta, nơi đã từng ghi dấu lẫy lừng bao chiến công gian khổ, cũng là
nơi lúc bấy giờ, sức quyến rũ đã thu hút lại, đã mời gọi đến một danh nhân từ
phương trời xa thẳm, mà sau này mãi mãi muôn đời tên tuổi gắn liền với địa danh
thơ mộng hàng đầu của Việt Nam : cao nguyên Lâm Viên. Và tên người : Alexandre
Yersin.
Vâng,
Alexandre Yersin chính là người đã khám phá ra, đã tạo dựng nên Thành phố Đà Lạt,
đệ nhất thắng cảnh của Việt Nam Cộng Hòa. Vốn gốc người Pháp, sinh trưởng tại
Thụy Sỹ, Yersin tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Pháp. Danh tiếng vang lừng khi mới
chưa ngoài 26 tuổi. Bởi tinh thần cầu tiến và tâm hồn ưa phiêu lưu mạo hiểm, tiếng
gọi của miền thuộc địa xa xôi đưa đẩy bước chân nhân tài trẻ tuổi đến đó, để rồi
không có ngày về. Bác sĩ Yersin sang Đông Dương một ngày đẹp trời năm 1889, làm
việc cho hãng tàu Messageries Maritimes. Đi đây về đó theo những chuyến tàu
lênh đênh ngoài biển cả, không nơi nào đã cám dỗ tầm mắt yêu thiên nhiên hùng
vĩ chàng bằng rặng Trường Sơn, được nhìn thấy từ bờ biển Nha Trang cát trắng. Lập
tức những cuộc hành trình thám hiểm được thực hiện không ngại ngần : đường bộ bằng
hai chân từ Nha Trang vào Phan Rí, và rồi lại dong thuyền buồm từ Phan Thiết ra
tới Qui Nhơn. Đi như vậy, một bóng một thuyền, một người một ngựa, giữa miền đất
lạ hoang vu. Chúng ta ngày nay phải giật mình tưởng tượng đến điều kỳ thú lạ
lùng đó, và, bởi lòng yêu mến ân nhân của những người mến yêu Đà Lạt, chúng ta
muốn thầm hỏi rằng : Phải chăng Yersin là một thi sĩ ? Thi sĩ của thiên nhiên
và của hoang vu ? Mà hoang vu ở đây không phải chỉ có trấn, có đèo, có đồi mùa
hạ, có đồi cỏ may, có cồn hoang dã, có bến lau thưa hoang vu, ở đây còn là : rừng
sâu, nước độc, thú dữ và... mọi ăn thịt người nữa kia. Cho nên trên con đường
phiêu lưu mạo hiểm, nhà Bác học trẻ tuổi của chúng ta đã, một lần, vào năm
1893, bị cướp chém đứt nửa ngón tay cái và đâm nhiều nhát vào ngực tại Dran; một
lần khác ông suýt bị voi chà, và nhiều lần nữa ông đã đối diện với cặp mắt tóe
lửa của cọp rừng già ngồi chơi trên mỏm đá. Ông như không mảy may quan tâm đến
muôn vàn đe dọa thử thách, vì còn mãi say sưa ghi chép tỉ mỉ địa thế các nơi đã
đi qua. Từ con suối mọn đến dòng sông xa, từ nhánh cỏ gầy đến búp hoa dại không
tên đều được ông nhìn ngắm kỹ. Ông hòa mình với thổ dân để tìm hiểu về phong tục
và khả năng kinh tế từng miền.
Vào năm
1893, Bác sĩ Yersin tìm ra Cao Nguyên Lâm Viên, thuộc phía Nam dãy Trường Sơn,
khi ông phóng tầm mắt nhìn ra cảnh thiên nhiên hùng vĩ ở độ cao cách mặt biển
1.500 thước. Vào năm 1897- 98 tại vùng đất khí hậu hiền hòa nước non xanh ngắt
này, đã dựng nên một thành phố nghỉ mát và dưỡng bệnh lý tưởng do đề nghị của
Bác sĩ Yersin lên toàn quyền Doumer.
Đó là
Thành phố Đà Lạt, khởi thủy chỉ là một diện tích không mấy rộng mang tên một
giòng suối nhỏ của bộ lạc người Lát.
Bác sĩ
Yersin yên nghỉ giấc ngàn thu tại Nha Trang ngày 1 tháng 3 năm 1943, trong khi
thành phố thơ mộng do ông khai phá và tạo dựng không ngừng lớn lên, không ngừng
phát triển, không ngừng thăng hoa... Nhưng chỉ vào năm 1923 trở đi, thời kỳ
phát triển trở mình của Đà Lạt đã thực sự trở nên một Thành phố mới bắt đầu.
Trước tiên là sự tạo lập Hồ Lớn Đà Lạt sau này là Hồ Xuân Hương, một chiếc hồ
nhân tạo rộng chừng 4.5 ha. Rồi thì sau đó các ngôi trường học lịch sử đầu tiên
mang tên người khai sinh thành phố : Lycée Yersin. Rồi thì những trục lộ giao
thông, những nhà máy điện, nhà máy nước, hàng trăm biệt thự kiến trúc Tây
Phương. Nhà thờ lớn Đà Lạt, các ngôi chùa Linh Sơn, Linh Phong, khu chợ Ấp Ánh
Sáng. Giai đoạn phát triển về mọi phương diện là vào năm 1944. Nhưng mãi đến
sau hiệp định Genève (20/7/54). Với sự ra đi
vĩnh viễn của người Pháp khỏi Đông Dương, Đà Lạt mới thực sự chuyển mình để trở
nên một Thành phố Việt Nam của người Việt Nam.
Trong bao
nhiêu năm dài, Đà Lạt đã là một nơi mời gọi, quyến rũ, thu hút người khắp nơi
trong nước, cũng như du khách ngoại quốc đến thăm viếng Việt Nam. Trong tâm tưởng mọi
người, Đà Lạt là Thành phố của thơ của mộng, Thành phố của sự Thoải Mái và Nghỉ
Ngơi, một trung tâm du lịch và văn hóa. Cho đến tháng 4/75, thời kỳ biến cố lịch
sử trọng đại gây nên vật đổi sao dời, những ai đã từng sinh sống lâu năm tại miền
đất an bình này mà nay đã ra đi hay còn ở lại, hẳn không bao giờ quên được những
tên phố, tên đường, tên trường, tên chợ, tên hồ, tên cầu, tên khách sạn, như một
lần ghé lại đã đi qua còn khắc sâu muôn vàn kỷ niệm. Kỷ niệm về kỷ niệm. Kỷ niệm
về một thiên đàng - nếu có thể lộng ngôn như vậy - trong cái nghĩa thực tế rằng
nơi đây đã từng đem lại cho người dân một đời sống đầy đủ tiện nghi vật chất và
bình an tâm hồn, dẫu rằng về phương diện kinh tế, Thành phố văn hóa và du lịch
này không ở tầm quan trọng đáng kể.
Chỉ cần
nhắc lại những tên thôi, những tên khắc vàng trên các bảng hiệu, cũng đủ làm rộn
lòng bao kẻ nhớ thương về Thành phố quê hương này và cũng đủ cho chúng ta hình
dung ra sinh hoạt tấp nập tươi vui đến thế của một Thành phố nhỏ, trong hàng
trăm Thành phố của miền Nam trước ngày 30 tháng 4 đổi đời. Những ai đã đi từ Đà
Lạt, hôm nay xin hãy làm du khách trở về thăm viếng thành phố xưa ! Trước tiên,
tôi xin giới thiệu các khách sạn lịch sử : Đà Lạt Palace trông ra Hồ Xuân
Hương, Mimosa đường Phan Đình Phùng, Thủy Tiên số 7 Duy Tân, Duy Tân 83 Duy
Tân, Mộng Đẹp khu chợ Mới, Sans souci đường Nguyễn Trường Tộ, Cảm Đô đường Phan
Đình Phùng.
Và các
Khách sạn bình dân : Phú Hòa, Vinh Quang, Hòa Bình, Nam Việt, Tinh Tâm, Cao
Nguyên, Thanh Ngọc, Thanh Tung, Lữ Quán Sài Gòn, Văn Huê và Lâm Sơn...
Sau các
Khách sạn, hẳn quý vị cần biết đến các nhà hàng, các tiệm ăn. Thưa đây là các
nhà hàng sang trọng nhất : Dalat Palace, Chic Shangai, Mê Kông, Nam Sơn và Thiên Nga,
Mỹ Quang, Như Ý, Kim Linh. Bình dân hơn trên những con đường khác. Nhà hàng lịch
sự, đặc biệt về món ăn Pháp là Dalat Palace, L'eau vive, đặc biệt về các món ăn
Việt, xin mời quý vị đến quán năm Vinh Hòa, số 7 đường Cường Để, có thịt bò 7
món. Nhà hàng bình dân, đặc biệt về các món ăn Việt Hoa là Đông Hải ở khu Hòa
Bình với các món bánh bao rất được ưa thích. Tiệm ăn đặc biệt về món Bắc, có Mỹ
Hương và Bắc Hương khu Hòa Bình; về các món Huế là các tiệm ở đường Hàm Nghi và
Thành Thái. Ngoài ra còn rất nhiều quán bình dân nữa, đáng kể là quán Thanh
Phương ở đường Võ Tánh, giá cả rất thích hợp với các thực khách không nặng túi
tiền. Ngoài các hàng cơm sang trọng hay bình dân, chúng ta còn vô số món ăn
"dân tộc" rất được tán thưởng. Xin được nhắc lại một lần các tiệm bán
các món đặc biệt và hấp dẫn ấy, và mong rằng quý vị, các bạn - nhất là các cô
hay ươn mình không thích xơi cơm đừng quá... nhớ nhung ! Tiệm phở Bằng, đường
Hàm Nghi, Tùng, Đắc Tín khu Hòa Bình, Ngọc Lan bến xe Đà Lạt Saigon. Như Ý đường
Nhà Chung; Bắc Huỳnh và Phi Thuyền trước ga Đà Lạt, hủ tiếu Nam Vang, đường
Minh Mạng. Mì vịt Thạnh Ký đường Phan Đình Phùng, mì quảng : quán cạnh rạp chiếu
bóng Ngọc Hiệp, các quán tầng dưới Chợ Mới; và một quán nằm khuất trong hẻm đường
Hoàng Diệu, trước trường Văn Học. Bún riêu, bún ốc ở tiệm Thành Công, đường Nhà
Chung. Bún bò giò heo : Các tiệm ăn Huế hầu hết đều có món này, nhưng khi nói đến
bún bò, người ta thường nghĩ đến quán cây số 4, góc đường Hai Bà Trưng và La
Sơn Phu Tử. Món Nai đồng quê - tên gọi thanh nhã là món của thịt cầy - được tìm
thấy ở quán Lá Mơ, đường Thành Thái; món thịt dê ở quán Ngọc Dung, Hồ Than Thở,
gần bến xe Chi Lăng. Ngoài ra còn rất nhiều quán Bình dân nữa : lưu kỷ niệm nhiều
nhất phải kể hàng đầu là dãy quán trước đường Đoàn Thị Điểm, đường Trương Vĩnh
Ký, với hàng xôi gà, cháo gà "ngon nhất nước" của gia đình ông Hà Đức
Bản, xe mì bánh tôm "ngon hết xẩy a" của chú Tàu nhẫn nại cần cù, xe
chè 6 món thơm phức của hai cô nữ sinh trường Tân Sanh, quán cháo lòng nóng hổi
và ngọt lịm của mẹ con cô Ti đon đả chào mời...
Về phần
các cô cậu thuộc lứa tuổi ô mai thích khoác áo lạnh đi tìm gặp các bạn bè để...
sưởi ấm lòng nhau, thì quán chè, tiệm kem và quán cà phê là những nơi thích hợp
nhất, quán chè Tuổi Ngọc, tiệm kem Việt Hưng, các quán cà phê Tùng, Trúc, Tình,
Nhớ, Trăng Cao Nguyên, Yêu, Thủy Tạ, Shanghai và Mê Kông là nơi thuận tiện nhất
để họ và cả lớp người lớn tuổi hơn thường ngồi lặng hàng giờ nhìn ra khu phố
chính của Thành phố ngắm các tà áo bay... hay luận đàm thế sự ?
Khách sạn
và nhà hàng ăn là những nơi du khách cần phải biết trước tiên, khi đặt chân đến
một Thành phố. Nhưng hẳn là còn vô số điều quý vị cần được hướng dẫn và giới
thiệu thêm nữa, trên bước nhàn du đến cõi... bồng lai này, bởi vì nhu cầu của
con người sau khi no cơm ấm áo còn nhiều thứ lắm, mà Thành phố của chúng ta thì
lại đã từng chứng tỏ có khả năng đáp ứng... mọi nhu cầu của kiếp nhân sinh !
Thiết tưởng còn gì thực tế hơn - về phần chúng tôi - là xin gửi đến quý vị
nguyên bản kê khai tất cả các địa điểm quý vị cần dùng tới.
Các phòng
tắm nước nóng : Ninh Thuận, Việt Trang, Minh Tâm, phòng uốn tóc Mô Đéc, Hoàng
Cung, Mỹ Dung, Tường Lan, Isana, Cô Sương, Người Ảnh. Phòng khám bệnh Bác sĩ
Phan Lạc Giản, BS Hoàng Khiêm, BS Nguyễn Văn Thạnh, BS Nguyễn Đình Thiều, nữ BS
Nguyễn Ngọc Diệp, BS Đào Duy Hách, BS Mai Trung Kiên. Tiệm thuốc tây: Đà Lạt,
Nguyễn Văn An, Hàm Nghi, Duy Tân, Diên Hương, Nguyễn Duy Quang, Lâm Viên. Phòng
chữa răng: nha sĩ Võ Thị Sâm, NS Minh Đa, NS Trần Tú, NS Nguyễn Văn Trình. Văn
phòng luật sư : LS Hoàng Huân Long, LS Ngô Tằng Giao, LS Phùng Văn Tuệ. Các rạp
chiếu bóng Hòa Bình, Ngọc Lan, Ngọc Hiệp. Vũ trường La Tulipe Rouge, Đào
Nguyên.
Hẳn nhiên
không phải chỉ thuần bằng những tiện nghi vật chất mà đời sống con người trở
nên đáng sống, mà Đà Lạt đã có khả năng mời gọi, quyến rũ những tâm hồn. Khi
người ta nói Đà Lạt thơ mộng, Đà Lạt Thành phố du lịch, Thành phố văn hóa...
thì không phải phở Ngọc Lan hay nem Ninh Hòa đáng được nhắc nhở hàng đầu, mà phải
là, trước tiên, các cơ sở phục vụ nhu cầu tinh thần và trí tuệ của người dân địa
phương : các Trung tâm văn hóa.
Nhắc lại
rằng Đà Lạt là một Trung Tâm Văn Hóa quan trọng vào bực nhất với sự hiện diện của
những trường Đại Học phong phú về phân khoa và mới mẻ về đối tượng nghiên cứu
như : Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Trường Chính Trị Kinh Doanh thuộc Viện Đại
Học Đà Lạt, Đại Học Quân Sự, trường Võ Bị Quốc Gia, Giáo Hoàng Học Viện...
Ngoài ra,
còn phải kể : Trường Chỉ Huy và Tham Mưu, Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Trung Tâm Văn
Hóa Mỹ... Và, còn gì đáng kể làm nên sinh hoạt tinh thần, trí tuệ của thành phố,
ngoài các cơ sở văn hóa lớn lao kia ? Hẳn nhiên là các ngôi trường, ở đây chúng
tôi chỉ xin nhắc lại những trường trung học, mỗi trường một màu sắc đồng phục
cho học sinh, nói lên đặc điểm riêng như tên trường đã chọn: trường Trần Hưng Đạo,
trường Bùi Thị Xuân, trường Quang Trung, Bồ Đề, Trí Đức, Văn Khoa, Việt Anh,
Adran, Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương, trường Tân Sanh, Minh Đức, Kỹ Thuật La
San, trường Domaine de Marie, trường Thương Mại, trường Phổ Minh, trường Nông
Lâm Súc, trường Chi Lăng... Và còn các hiệu sách nữa chứ ! Không có sách lấy gì
đáp ứng nhu cầu tình cảm và tư tưởng của Đà Lạt hiền hậu, ưa thu mình trong
chăn ấm nghe tiếng nói của nội tâm ? Cho đến năm 1975, Đà Lạt có những nhà sách
nổi tiếng như : Liên Thanh, Thiên Nhiên, Nhân Văn, Hòa Bình, Thiên Hương, Tuyên
Đức, Hồng, Khải Minh, Minh Thu, Khai Trí...
Và khi
người ta nói Đà Lạt thơ mộng, Đà Lạt thành phố du lịch và gọi về Đà Lạt như một
thiên đường đánh mất thì không phải là Viện Đại Học hay Nguyên Tử Lực đáng được
tuyên dương hàng đầu, mà phải là các danh lam thắng cảnh. Hồ ! Rừng ! Thung
Lũng ! Thác !
Hồ là hồ
Than Thở, rừng là rừng Ái Ân, thung lũng là thung lũng Tình Yêu ! Còn nơi nào
trên thế giới hồ, rừng và thung lũng mang tên "người" như thế nữa
không ? Hồ Xuân Hương lớn nhất, nằm ngay trung tâm thành phố. Hồ Than Thở cách
Đà Lạt 5 cây số. thung lũng Tình Yêu, thung lũng chìm sâu xuống trong những sườn
đồi thẳng đứng và cao thăm thẳm. Thác Cam Ly, thác Datangla, thác Liên Khương,
thác Pongour và thác Prenn, nổi tiếng nhất cách Đà Lạt 10 cây số. Suối Vàng, suối
Bạc, suối Tía...
Và còn phải
kể là thắng cảnh những con đường xinh đẹp mang tên thơ mộng ít nhiều : đường
Quang Trung, đường Phạm Phú Quốc, đường Trần Hưng Đạo, đường Lê Thái Tổ quang
đãng chạy dài giữa hai hàng thông xanh sừng sững, đường hoa hồng vang bóng một
thời, đường vòng Lâm Viên, còn gọi là đường ngoạn cảnh... Và còn phải kể là thắng
cảnh những dinh thự và biệt điện khuất mình sau rặng thông xao xác hay nằm
hoang vắng giữa cỏ hoa tịch mịch, gợi cho người nhớ chuyện liêu trai : Dinh số
1, Dinh số 2, Dinh số 3 ! Và Viện Đại Học với giàn hoa giấy màu tím hồng rực rỡ
quý phái đón chào nam nữ sinh viên tự cổng vào, từ nơi văn phòng, dẫn tới những
con đường rộng sáng, mở ra những giảng đường của mỗi phân khoa, và Giáo Hoàng Học
Viện với cảnh rộn ràng, trai thanh gái lịch, đến thưởng ngoạn chụp hình kỷ niệm
trên lớp cỏ non tơ, ai dám bảo rằng đây chỉ là những cơ sở văn hóa hay tôn giáo
mà không phải là những cảnh đẹp kiều diễm nhất của quê hương ? Và Chợ Mới Đà Lạt,
khu chợ ba tầng lầu kiến trúc tân kỳ vào bậc nhất Đông Nam Á, vào những ngày
tưng bừng nhất trong năm như ngày mãn khóa sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia, Lễ
Giáng Sinh và những tuần lễ cận Tết, thì chính là thắng cảnh số 1 đón tiếp hàng
ngàn người từ bốn phương trẩy về dự hội.
Ờ mà làm
sao có thể nói đến danh lam thắng cảnh mà lại bỏ xót những vườn hoa, phần nhan
sắc nhất của nhan sắc, phần thơ mộng nhất của thơ mộng ? Hỡi người ra đi từ Đà
Lạt ! Xin hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng đến những vườn hoa : Vườn hoa Thành
phố trên đường Hồ Xuân Hương, vườn Rosadola đường Phan Đình Phùng của Ông bà
Nguyễn Hữu Vinh, vườn hồng đường Quang Trung của Phu nhân họ Từ, và một vườn hồng
nổi tiếng nữa ở đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Gia Trang - ... - Vườn Bích Câu,
ngay dưới chân sân Cù, thấp thoáng bóng các chú nài cưỡi ngựa... hồng, lan,
cánh bướm, lay-ơn, tú cầu... Nhưng đặc biệt là hoa Đà Lạt chỉ có hai loài, Anh
đào hồng phấn dịu dàng và Mimosa vàng tươi rạng rỡ.
Đâu phải
chỉ là sự tình cờ hay do ngẫu hứng mà những tên phố tên đường, những số nhà được
nhắc lại như thế. Chỉ là mong làm sinh động lại trong trí nhớ người đi xa nửa
vòng trái đất những kỷ niệm của quê hương. "Quê hương đẹp hơn cả"
không hẳn vì quê hương đẹp, mà chỉ bởi quê hương đầy ắp tình người, tình anh
em, tình đồng bào cùng đau chung nguồn lịch sử... Nhưng mà ở đây chúng ta đang
nói về thực tế. Nói về Đà Lạt như một thiên đường trong cái nghĩa thực tế nhất;
có cơm ăn áo mặc và những tiện nghi vật chất tinh thần. Vậy thì, ngần ấy tiện
nghi vật chất và tinh thần, để phục vụ cho dân số không quá 130.000 người, hẳn
nhiên là mức sống của người dân phải dễ chịu, dẫu rằng bên cạnh biệt thự Trang
Hai cũng có căn nhà nhỏ của người giữ vườn, và để đánh móng tay cho người đẹp
Kim Vui của Kivini, đường Minh Mạng, vẫn phải có cô thợ nhỏ 18 tuổi lương chỉ đủ
ăn quà. Những bác tắc xi nằm ngủ gật những khi ế ẩm, chỉ cần một ngày đẹp trời
du khách viếng thăm Đà Lạt tấp nập là cũng đủ bù lại những giờ chơi không. Ông
Nghiêm Tỉ, nhà trồng trọt ở ấp Nghệ Tĩnh, tuy những năm tháng cuối của cuộc đời
có vất vả vì hoa màu thiếu phân bón, với những tài sản tạo lập nghe đâu từ thuở
Hoàng Triều Cương Thổ, gồm đất nhà vườn, cũng đã nuôi được đến trưởng thành một
đàn con đông đúc, kẻ tốt nghiệp Cao Học Chính Trị Kinh Doanh, nguời Kỹ Sư Hàng
Hải...
Đất nước
ta trải qua cuộc chiến tranh dài ngót 30 năm tính đến tháng 4/75, là một Quốc
gia nhỏ và nghèo. Vậy mà trong một thời khoảng đáng kể, một phần dân chúng đã
may mắn được hưởng một mức sống đầy đủ tiện nghi như vậy ! Ngày nay trên đất nước
người lưu lạc, nhìn lại sau lưng chúng ta không khỏi giật mình tiếc cho một
thiên đường... đánh mất ! Ngày xưa bà hàng xóm của tôi ở đường Nguyễn Du vốn có
một hoàn cảnh để "đi mây về gió", mỗi lần đi xa về lại kể chuyện nước
ngoài cho bà con nghe. Ở Đông Kinh, ở Luân Đôn, ở Hoa Thịnh Đốn người ta sống
như thế nào... Bà chép miệng : "Dân Việt Nam mình đang sung sướng
mà không biết rằng mình sung sướng. Trên khắp thế giới ngày nay, chẳng có nơi
nào hội đủ mọi thứ tiện nghi như Saigon. Người ta có thứ
này không có thứ kia, còn mình có "đủ hết". Dường như cảm thấy phản ứng
nhẹ của người nghe, bà lại tiếp lời ngay: "Dẫu rằng không có đồng đều,
nhưng có người ở biệt thự, có người gác dan, có người cần tài xế lái xe, có người
được làm tài xế lái xe, có người đi Mỹ viện sửa sắc đẹp, có cô gái quê ra tỉnh
học nghề uốn tóc, đồng tiền cứ thế luân lưu tới mỗi người, còn hơn là không có
gì hết".
"Còn
hơn là không ai có gì hết !" Còn hơn là bắt đầu lại từ con số không, thì tội
nghiệp quá !... Từ sắc đẹp quyến rũ mãnh liệt của cảnh đẹp thiên nhiên miền cao
nguyên Lâm Viên, và diễn tiến sự thành lập thành phố của chúng ta, như đã trình
bày, cho đến ngày 30 tháng 4 năm 75, lịch sử, thời gian đi qua chưa đầy một thế
kỷ. Ngắn ngủi quá cho một Thành phố sinh ra và lớn lên, và trưởng thành. Và phù
du làm sao ! Khi mọi sự đã xảy ra như chớp nhoáng, mười năm trời trôi qua chưa
đem lại thăng bằng cho não cân ta để trả lời câu hỏi : "Vì sao ta đã đành
mất Thành phố, vì sao ta đã mất quê hương ?" Phải chăng vì, trong mục đích
tìm kiếm thiên đường khả dĩ có được, chúng ta đã mất đi một thiên đường đã có ?
Thiên đường trong một nghĩa rất tương đối, rất hạn hẹp, cũng như hạnh phúc vốn
chưa được định nghĩa rõ bao giờ.
Trên con
đường tìm kiếm hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tương đối mà con người có thể mưu cầu
được cho mình, phải chăng với người dân Đà Lạt ngày nay, Đà Lạt ngày xưa đã là
một thiên đường đánh mất ?
Vi Khuê - Chử Bá Anh(Trích từ
Độc Lập - Đức)